22/10/2024 6:43 PM
TP.HCM chính thức ban hành bảng giá đất điều chỉnh; Giá đất trung tâm Đà Lạt cao nhất gần 73 triệu đồng/m2; Cảng tàu quốc tế 8.000 tỉ, lớn nhất khu vực phía Nam sẽ được xây dựng ở đâu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

TP.HCM chính thức ban hành bảng giá đất điều chỉnh

Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định về sửa đổi, bổ sung quyết định số 02 của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn. Bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM sẽ được áp dụng từ ngày 31/10 đến hết ngày 31/12/2025.

Quyết định này sẽ áp dụng điều chỉnh cho quyết định 02/2020 của UBND trước đó. Theo đó, giá đất ở cao nhất 687 triệu đồng/m2 tại các tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi. Mức giá này cao hơn gấp 4 lần so với bảng giá trước đây (162 triệu đồng/m2), song đã giảm so với dự thảo bảng giá đất lần trước là 810 triệu đồng/m2.

Mức giá một số tuyến đường lân cận như Đông Du là 409 triệu đồng/m2, tuyến Hai Bà Trưng (tùy đoạn) có giá 350-450 triệu đồng/m2, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) có giá 447 triệu đồng/m2.

Tại khu vực quận 3, toàn bộ tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Công Trường Quốc Tế dự kiến là nơi có giá đất mới cao nhất với 305-340 triệu đồng/m2.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là giá đất vùng ven, các huyện ngoại thành tăng lên quá cao trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần trước. Tuy nhiên trong dự thảo mới nhất, giá đất tại các khu vực này đã giảm đáng kể.

Giá đất trung tâm Đà Lạt cao nhất gần 73 triệu đồng/m2

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành bảng giá điều chỉnh các loại đất giai đoạn 2020-2024, áp dụng từ ngày 17/10 đến hết năm 2025. Với đất ở TP Đà Lạt, mức cao nhất trong bảng giá thuộc về đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu Hòa Bình (cả khu vực bến xe nội thành) ở phường 1, đạt gần 73 triệu đồng mỗi m2, tăng 30% so với bảng giá cũ.

Một số tuyến đường lân cận như Ba Tháng Hai đạt 68,4 triệu đồng một m2, tăng hơn 40% so với cũ. Tiếp đó là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Phan Đình Phùng đều tăng gấp đôi, lần lượt là 61 triệu đồng và 66 triệu đồng một m2. Hay đường Trần Quốc Toản (bao quanh hồ Xuân Hương) có giá hơn 43 triệu đồng một m2, tăng 30%

Mức giá thấp nhất là 2,1 triệu đồng mỗi m2, thuộc tuyến đường cuối đèo Tà Nùng, tăng gấp đôi so với bảng giá cũ. Một số đường cũng có giá quanh mức 2-3 triệu đồng một m2 như Tự Tạo, Lương Định Của (đoạn cuối đường Cầu xóm Hố)…

Trong khi đó, giá đất nông nghiệp tại TP. Đà Lạt cao nhất là 1,2 triệu đồng/m2, thấp nhất là 125.000 đồng/m2.

Một huyện Hà Nội đấu giá 68 lô đất nhưng có đến 56 lô có nguy cơ bỏ cọc

Tại Hà Nội, trong các cuộc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức vừa qua, đã xuất hiện tình trạng thao túng giá, đẩy giá. Sau khi đấu giá, một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Luật đất đai 2024 được thi hành, một số địa phương đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Điều này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường Bất động sản.

Qua kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc lập, công khai quy hoạch khu vực phát triển nhà ở chưa bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Một số đối tượng tham gia đấu giá không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt tại một số địa phương.

Cảng tàu quốc tế 8.000 tỉ, lớn nhất khu vực phía Nam sẽ được xây dựng ở đâu?

Ngày 21/10, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với các sở ngành liên quan để nghe báo cáo về phương án đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu, báo Giao thông đưa tin.

Theo báo cáo của Liên danh tư vấn PORTCOAST - TEDIPORT - HPEC, vị trí cảng tàu khách được xác định giáp khu tổ hợp nhà ga Cáp treo khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu).

Quy mô gồm nhà ga hành khách kết hợp cửa hàng miễn thuế; văn phòng khách sạn và căn hộ du lịch; bến du thuyền; bãi xe taxi, xe buýt; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cầu tàu, kè bờ, đê chắn sóng; khu bến cảng công vụ, hoa tiêu. Bến khách gồm 1 cầu cảng cho phép đậu 2 bên, đáp ứng cho cỡ tàu 225.000 - 228.000 GT (hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện).

Tổng chiều dài bến 420m, trong đó, sàn đón khách dài 120m còn cầu cảng nối với bờ bằng cầu dẫn dài khoảng 700m. Phía trong bố trí các bến du thuyền, bến tàu công vụ, dịch vụ hàng hải cho hoa tiêu, cảng vụ. Bến thủy phi cơ được bố trí riêng phía Đông, Đông Nam. Toàn dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, được đánh giá có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Sở GTVT tìm phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá. Sở GTVT hoàn thiện hồ sơ dự án tiền khả thi trong tháng 10/2024. Sau đó đề xuất tổ chức lấy ý kiến các nhà đầu tư quan tâm đến dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.