Hình minh họa
Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh khẩn trương cấp sổ hồng cho condotel, officetel
Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai để tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bộ cũng yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho người sử dụng đất.
Trong đó tập trung rà soát, chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 10/2023/NĐ-CP.
Trong tháng 5 sẽ phê duyệt điều chỉnh đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương thẩm định Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng trong tháng 5/2023. Được biết, dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2008, mục tiêu hoàn thành năm 2020, nhưng tới nay vẫn chưa có kế hoạch khởi công cụ thể.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài hơn 11,5km (đi trên cao 3km, còn lại đi ngầm), tổng vốn đầu tư được duyệt năm 2008 là 19.555 tỉ đồng (tương đương 131 tỉ Yên), sử dụng vốn ODA Nhật Bản và đối ứng trong nước.
Giao dịch căn hộ phía Nam giảm, xuất hiện dự án chiết khấu đến 52%
Báo cáo thị trường TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) của DKRA trong tháng 4 chỉ ghi nhận 5 dự án căn hộ mở bán trong tháng 4, tương ứng với 568 căn, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có một dự án mới, còn lại là các chung cư mở bán giai đoạn tiếp theo. TP.HCM là khu vực chiếm phần lớn nguồn cung mới với 346 căn hộ, chiếm tỷ lệ lên đến 61%. Xếp sau là Bình Dương với 39%. Các tỉnh còn lại không ghi nhận nguồn cung mới.
Theo DKRA, phân khúc căn hộ hạng A tập trung ở khu Đông – TP.HCM trong khi tại Bình Dương chủ yếu là hạng B và C tại 3 thành phố lớn của tỉnh là Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một. Điều đáng nói, sau quý 1 với tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 63%, đến tháng 4 nhiều chủ đầu tư đã áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh. Cá biệt có dự án giảm đến 52% giá bán niêm yết căn hộ.
Hà Nội muốn có sân bay quốc tế thứ 2
Thành phố dự báo đến năm 2050, dân số Hà Nội khoảng 21-23 triệu, diện tích 24.314 km2, cơ bản tương đồng vùng TP.HCM với quy mô dân số 24-25 triệu, diện tích 30.400 km2. Trong khi đó, đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đã định hướng quy hoạch hai cảng quốc tế cho vùng TP.HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm).
Vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch hai cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô. UBND TP.Hà Nội cũng dẫn các nghị quyết của trung ương về quy hoạch phát triển Thủ đô xác định nhiệm vụ xây dựng sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô.
-
Bất động sản 24h: Phương án đầu tư cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương
Vụ Alibaba giữ nguyên mức án tù chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện; Quy mô đầu tư 53km cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương; Ý tưởng hành lang liên kết vùng mới được Bình Dương và Tây Ninh thảo luận... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.