30/03/2012 1:07 AM
Trông chờ vào vốn đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp phải tự mình tìm kiếm nguồn vốn để tự“cứu sống” trên thị trường bất động sản (BĐS)2012?

Bàn luận về giải pháp cho thị trường BĐS 2012, làm thế nào để kinh doanh địa ốc có gam màu sáng, theo ông Nguyễn Văn Hoàng, tổng giám đốc Công ty quản lí quỹ tín thác đầu tư bất động sản VREIT: Các doanh nghiệp phải tìm cách xoay nguồn vốn để tự cứu mình.


“Chỉ cần một tập đoàn lớn của nước ngoài đã có GDP bằng cả nước Việt Nam với hàng trăm tỉ USD. Làm thế nào hút dòng tiền này đến Việt Nam? Điều quan trọng là phải bảo vệ được nguồn vốn của nhà đầu tư, để họ hiểu rằng tiền của họ không bị mất đi mà có khả năng sinh lời. Các bộ, ngành phải tạo điều kiện tối đa để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó khung pháp lí đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc mở đường cho dòng vốn vào Việt Nam” – ông Hoàng nói.

Bất động sản 2012: Khởi sắc, cầm chừng hay đi xuống?
BĐS 2012 được dự đoán sẽ khởi sắc vào cuối năm, tuy nhiên, cần biện pháp đồng bộ và ráo riết tích cực của Nhà nước lẫn doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Hoàng, quỹ đầu tư bất động sản là công cụ cần thiết cho thị trường bất động sản. Ông cho rằng: Hiện nay, bất động sản vẫn rất quan trọng với người Việt. Nhưng phần lớn vốn lại nằm trong hệ thống ngân hàng. Khi vốn ngân hàng "tắc", sao không dùng công cụ rộng rãi hơn, huy động vốn toàn dân, để toàn dân đầu tư vào một quỹ như vậy, mời cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ đó. Đây là kênh huy động vốn rất tốt mà các nước đã thực hiện.


Trong khi đó, với mục tiêu "thị trường quyền sử dụng đất cần tạo động lực cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, đa dạng hàng hóa bất động sản, phát triển thị trường trong khu vực kinh doanh và thực hiện dễ dàng việc chuyển giá trị bất động sản thành vốn đầu tư," ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Cục trưởng, Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu của thị trường và hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tạo nguồn cung ổn định về đất đai, nhà ở cho thị trường bất động sản.


Bên cạnh đó phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giúp Nhà nước chủ động quản lý toàn bộ thị trường đất đai sơ cấp và đưa quỹ đất vào thị trường thứ cấp hợp lý, thông qua biện pháp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phù hợp với cơ chế thị trường. Cần hoàn chỉnh các quy định để quyền sử dụng đất thực sự trở thành hàng hóa, dễ dàng chuyển thành vốn đầu tư thông qua quyền bảo lãnh, thế chấp và góp vốn.



Hỏi về giải pháp tổng thể cho BĐS năm 2012, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng: dòng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài chính là cái đích cho thị trường BĐS Việt Nam. Ông chia sẻ: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm dự án sinh thái mà họ muốn đầu tư vào nước ta.



Ngoài ra, xu hướng mua bán sáp nhập cũng là điều cần được đẩy mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Ông Nguyễn Mạnh Hà giải thích: "Càng trong khó khăn, xu thế mua bán sáp nhập càng phát triển mạnh, đặc biệt là ở thị trường bất động sản phía Nam do quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính ít”.



Bên cạnh đó, để tận dụng nguồn vốn, việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở, ông Hà cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng vào Việt Nam. “Đây vừa là nguồn tín dụng vừa giáo dục tinh thần tiết kiệm cho người dân” – ông kết luận.


Còn liên quan tới vấn đề siết chặt hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, ông Đỗ Trọng Hải, Luật sư điều hành Công ty Luật Bizlink cho rằng Nhà nước nên cho phép các chủ thể sử dụng đất thuê, đã trả tiền hàng năm được phép chuyển nhượng.


Việc làm này sẽ tăng thu cho ngân sách, tránh tình trạng trốn thuế hoặc chuyển nhượng "chui" dưới các hình thức khác nhau như hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, nhờ đó tạo sự minh bạch và thuận lợi trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với người sử dụng đất thực.


Ngoài ra, ông Hải còn đề nghị cần sớm có những quy định và cơ chế rõ ràng để tính và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải trả cho Nhà nước.


BĐS 2012: Khởi sắc, cầm chừng hay đi xuống?

Tại Hội thảo "Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012", theo TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2012, 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản.


Kịch bản thứ nhất theo ông Chung là kịch bản khó xảy ra nhất nhưng được mong muốn nhất, đó là thị trường khởi sắc. Điều kiện của kịch bản này là tình hình kinh tế thế giới ổn định, các nước đồng tiền chung châu Âu vượt qua khỏi khủng hoảng nợ công. Đố là tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tốt đẹp, tăng trưởng cao, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất về mức 10%/năm.


Một số công cụ tài chính bất động sản ra đời, chẳng hạn quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm tương hỗ... Khi đó, thị trường sẽ qua điểm đáy và khởi sắc vào tháng 8 âm lịch. Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2012 sẽ là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các doanh nghiệp bất động sản. Một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tài chính hoá thị trường bất động sản bắt đầu. Tuy nhiên, vì giả định có nhiều yếu tố tốt đẹp cùng xảy ra nên khả năng có phương án này là thấp.


Kịch bản thứ 2, thị trường sẽ suy giảm trầm trọng. Có thể có một làn sóng xấu sẽ xảy ra, các dự án sẽ tiếp tục bị ngừng trệ. Nhiều công trình sẽ tiếp tục bị đóng băng. Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ rời bỏ thị trường bất động sản và thị trường bất động sản sẽ cần một thời gian khá dài để tái phục hồi.


Kịch bản thứ 3, kịch bản dễ xảy ra nhất. Đó là tình hình sẽ tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động cầm chừng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số nhà đầu tư sẽ thu hẹp sản xuất.


Theo GDVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.