16/11/2011 12:37 AM
Sau nhiều cân nhắc, Ngân hàng nhà nước đã quyết định bơm vốn cho một số dự án bất động sản đang trong quá trình sắp hoàn thiện.
Bất cập rót vốn cứu doanh nghiệp bất động sảnTheo ý kiến nhiều chuyên gia, đây là liệu pháp tốt, kịp thời cho các doanh nghiệp nhưng chưa chắc khả thi.

Gần 1 năm nay kể từ khi Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng siết cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Điều này đẩy doanh nghiệp và thị trường bất động sản rơi vào trạng thái tê liệt.

Để giải quyết phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã có một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng nhà nước xem xét lại một số khoản mục tăng tỉ trọng cho vay như: Vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
Sau khi xem xét, ngày 14/11, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định cho phép các tổ chức tín dụng được bơm vốn cho một số lĩnh vực phi sản xuất trong đó có cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.

Cho các doanh nghiệp vay để xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.

Động thái này của Ngân hàng nhà nước được các doanh nghiệp đánh giá khá tích cực.

Ông Lý Mạnh - Phó giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương chia sẻ việc Ngân hàng nhà nước xem xét lại các khoản vay đối với một số lĩnh vực phi sản xuất là thông tin rất tốt và kịp thời đối với các doanh nghiệp đặc biệt khi thời điểm đáo hạn ngân hàng đối với các khoản nợ đang đến rất gần. Đây là "liều thuốc" giúp các doanh nghiệp bớt căng thẳng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế lãnh đạo Tập đoàn bất động sản lớn tại Hà Nội cho biết, mặc dù Ngân hàng nước "nới" cho vay một số hạng mục nhưng chắc chắn các doanh nghiệp khó có thể vay vốn từ ngân hàng bởi hiện các ngân hàng đang rất khan hiếm tiền mặt thậm chí các ngân hàng vẫn đang phải chạy đôn chạy đáo để thu hồi nợ. Đặc biệt, nhiều ngân hàng nhỏ đã huy động được lượng lớn tiền rồi cho các công ty con vay đầu tư bất động sản nhưng các phân khúc này không phù hợp do vậy áp lực trả nợ rất căng thẳng.

"Mấy ngày trước, có ngân hàng gọi điện mời doanh nghiệp gửi tiền lãi suất uy đãi, nhân viên ngân hàng cho biết bên họ vẫn giải ngân cho vay bất động sản nhưng lãi suất trên 20%. Với mức lãi này thì doanh nghiệp làm dự án không thể thu được lợi nhuận. Thời điểm này đi vay làm dự án là không hiệu quả" vị giám đốc chia sẻ.

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang rất nỗ lực để thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát thì việc giải quyết cho một số khoản mục đầu tư dự án được vay tiền được xem là động thái tốt. Việc Ngân hàng xem xét cho vay hỗ trợ được các doanh nghiệp phần nào về tài chính sẽ tốt phần đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào điều này.

Theo ông Bùi Đức Long - Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland, vướng mắc nhất hiện nay là nghị quyết 11 cấm tổ chức tín dụng cho vay bất động sản. Vì vậy, khi đưa ra hạn mức 16% bản thân một số ngân hàng dừng cho vay vốn kể cả những dự án đang giải ngân rồi cũng buộc phải dừng. Để có tiền triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp dùng phương thức huy động vốn từ người mua, nhưng khó cái là doanh nghiệp không thể quyết định được đối tượng khách hàng mà phải thông qua Ủy ban chọn nên rất chậm. Ngay cả, với dự án nhà thu nhập thấp, khi quyết định đưa ra có hơn 300 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và có dự án. Nhưng hiện chỉ có 30 doanh nghiệp triển khai nhưng mới chỉ có 3 doanh nghiệp đưa được nhà.
Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.