30/01/2021 9:18 AM
CafeLand - Mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhưng cho đến nay, cả nước mới chỉ hoàn thành đầu tư xây dựng 249 dự án, đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu mét vuông nhà ở.

Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn.

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản trả lời cử tri liên quan đến nội dung về cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đó, cử tri đề nghị quy định cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cụ thể trong luật, nghị định để địa phương có cơ sở thực hiện nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp trong tỉnh.

Bộ Xây dựng cho biết, việc chăm lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nói chung, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có nhà ở.

Cụ thể, trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động (như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).

Mặt khác, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655 phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Quyết định này sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729 ngày 04/11/2020. Theo đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được giao chủ trì triển khai đề án này, với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn, bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.

Bên cạnh đó, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03 về các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Để tiếp tục hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, trong đó giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100/2015 để trình Chính phủ xem xét nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội, tạo nguồn cung cho thị trường.

Với các chính sách đã ban hành, đến nay cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 249 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 5,21 triệu mét vuông sàn, tương đương hơn 104.200 căn hộ; đang đầu tư xây dựng 264 dự án, với quy mô xây dựng 10,95 triệu mét vuông sàn, tương đương 219.000 căn hộ; số dự án còn lại là 613 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, kết quả này mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu mét vuông nhà ở.

Do đó, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, người lao động, trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách như trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03 ngày 25/01/2017.

Bộ Xây dựng cũng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí thêm nguồn vốn theo Nghị quyết số 41 ngày 09/4/2020 của Chính phủ để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội cho vay nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số 655 ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729 ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn về vấn đề phát triển nhà ở xã hội tại kỳ họp Quốc hội ngày 6/11/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn.

Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển loại hình này. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở theo quy định pháp luật cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.

“Theo yêu cầu, chúng ta phải dành 9.000 tỉ đồng ngân sách để hỗ trợ, nhưng hiện nay mới bố trí được khoảng 4.000 tỉ đồng”, ông Hà cho biết.

Ngoài ra, các địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào nhà ở xã hội.

Về giải pháp, ông Hà cho rằng, trước hết cần rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 ở các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt các dự án nhà ở xã hội.

Tiếp đến là bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để có tính kết nối giữa khu vực phát triển nhà ở xã hội và các khu vực khác của đô thị.

  • Huy động nguồn lực phát triển nhà ở

    Huy động nguồn lực phát triển nhà ở

    Thời gian qua sự phát triển nhà ở tại TPHCM chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Để khắc phục những hạn chế này, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 đã được TP xây dựng với những giải pháp đồng bộ.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.