06/02/2017 3:06 PM
Dù chỉ còn khoảng 10% khối lượng xây dựng cơ bản, nhưng mục tiêu đưa vào vận hành thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào tháng 10/2017 vẫn là một thử thách rất lớn cho Tổng thầu EPC Trung Quốc.
Ra quân sớm
Đúng 8h sáng mùng 6 Tết Đinh Dậu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải), Tổng thầu EPC - Cục Đường sắt 6 Trung Quốc và các nhà thầu phụ đã có mặt tại Depot Yên Nghĩa (Hà Đông) làm lễ ra quân và cùng ký cam kết vận hành thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào tháng 10/2017.
“Đây là công trình hạ tầng lớn đầu tiên tại Thủ đô và của ngành GTVT trở lại nhịp độ thi công bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thành 90% khối lượng phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu bao gồm: kết cấu cầu cạn, nhà ga, công trình kiến trúc trong khu Depot, đường ray...
“Dự án chỉ còn một vài vị trí, kết cấu hạng mục phụ trợ - lối lên xuống các nhà ga đang tích cực thi công, những vị trí này trong quá trình thi công bị ảnh hưởng một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hoặc do cản trở (như vị trí ga La Khê, ga Văn Khê, ga Vành đai 3)”, ông Thành cho biết.
Hiện nay, Tổng thầu đang thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu thiết bị cho Dự án để lắp đặt từ tháng 3 và hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 7/2017. Theo kế hoạch vừa được Bộ GTVT thông qua, đến ngày 31/3, tổng thầu sẽ phải hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot; đến ngày 1/9, đóng điện toàn tuyến và chạy thử từ ngày 1/10/2017.
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, do đây là công trình đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào khai thác tại Việt Nam nên các quy trình cho việc chạy thử cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quá trình chạy thử này kéo dài từ 3 - 6 tháng với thời gian vận hành lên tới 5.000 km.
Cũng theo ông Thành, ngày 26 Tết vừa qua, đoàn tàu đầu tiên đã đóng gói và được vận chuyển về Việt Nam. Sau 2 ngày nữa, đoàn tàu này sẽ về đến cảng. Đây là đoàn tàu đô thị chính thức đầu tiên được đưa về để phục vụ Dự án.
Được biết, các đoàn tàu đã được phía Trung Quốc chỉnh sửa nhiều chi tiết sau khi tiếp thu các ý kiến đòng góp của cộng đồng.
Về nguồn vốn vay bổ sung cho dự án (tương đương 250,62 triệu USD), Ban Quản lý dự án Đường sắt đang khẩn trương cùng Bộ GTVT và Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thống nhất các điều khoản chi tiết, sớm ký kết Hiệp định vay để đảm bảo nguồn vốn hoàn thành Dự án.
Tiến độ chót
Sau nhiều lần phải gia hạn tiến độ, tuyến đường sắt đô thị này được lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu không lùi tiến độ thêm lần nữa.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, mặc dù khối lượng còn lại của Dự án là không lớn (chỉ khoảng 10%), nhưng đều là các phần việc liên quan đến công tác hoàn thiện đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác cao, nên nếu không có kế hoạch thi công hợp lý, khả năng bị vỡ tiến độ là không thể loại trừ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC của Dự án) chuẩn bị đủ nguồn lực để thanh toán kịp thời cho các nhà thầu phụ, ký hợp đồng các gói thầu phụ còn lại để họ chủ động triển khai các phần việc nhằm hoàn thành Dự án.
Để “chia lửa” với tổng thầu, ông Lê Kim Thành, cho biết, chủ đầu tư luôn tạo điều kiện, giải quyết kịp thời các vướng mắc (nếu có) để giải ngân khối lượng đề nghị thanh toán của Tổng thầu.
Cần phải nói thêm rằng, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị này sẽ giải tỏa đáng kể áp lực giao thông cho khu vực các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông - cung đường đang xảy ra nhiều điểm tắc nhất thủ đô Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Được biết, vào cuối tháng 12/2016, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác thương mại trong quý I/2018.
Trước đó, Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 10/2008 và phê duyệt điều chỉnh vào tháng 2/2016 với tổng mức đầu tư 18.001 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016.
Mốc tiến độ mới của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc, bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3/2017
Bắt đầu lắp đặt thiết bị ngày 15/3/2017
Hoàn thành lắp đặt thiết bị ngày 31/7/2017
Đóng điện toàn tuyến ngày 1/9/2017
Bắt đầu vận hành chạy thử (bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành thử chở khách mô phỏng) ngày 1/10/2017
Thời gian vận hành thử là 3-6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành đưa vào khai thác thương mại.
Anh Minh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.