Khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại Công ty cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của đơn vị này liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài sản.
Vinasport vốn là doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban Thể dục thể thao. Năm 2006, đơn vị này được cổ phần hóa, với điều lệ xác định chỉ 12,5 tỉ đồng, trong đó 51,32 % sở hữu nhà nước, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên, khi cổ phần hoá, Vinasport đã không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất hiệu quả.
Đơn vị này được nắm giữ, sử dụng rất nhiều khu đất vàng có giá trị tại Hà Nội. Đơn cử như khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân với diện tích hơn 16.000m2.
Vinasport đã làm gì tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng?
Năm 2008, Công ty CP Megastar ký hợp đồng nguyên tắc với Vinasport trên tinh thần là xây dựng và kinh doanh dự án trên đất 181 Nguyễn Huy Tưởng nhưng không tổ chức đàm phán. Nhiều nội dung trong hợp đồng không phù hợp với nội dung của hồ sơ mời thầu dẫn đến dự án không thực hiện theo cam kết.
Việc này dẫn đến dự án không thực hiện theo cam kết, nhưng do thiếu cơ sở để chấm dứt hợp đồng nên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.
Khi hợp đồng với Megastar chưa được thanh lý, Vinasport đã vội ký hợp đồng Hợp tác đầu tư với Công ty Khu Đông, vi phạm cam kết đã ký với Megastar, dẫn đến đơn thư khiếu kiện kéo dài và dự án không triển khai được.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, quá trình hợp tác đầu tư tại dự án 181 Nguyễn Huy Tưởng không thực hiện được nên một số tài sản bị phá dỡ, gây thiệt hại hơn 7,4 tỉ đồng cho vốn doanh nghiệp.
Chưa kể, đơn vị này còn ký hợp đồng cho Công ty HBI thuê mặt bằng diện tích 11.659m2 với giá cho thuê thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế.
Cụ thể là 60 triệu đồng/tháng (từ 22.3.2015- 22.7.2015); 99 triệu đồng/tháng (từ 23/7/2015 – 22.7.2017); 46 triệu đồng/tháng (23.7.2027-22.3.2018). Tính ra, mỗi mét vuông đất cho thuê với giá khoảng 5.000 đồng, trong khi Vinasport thuê khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng là 2,1 tỉ đồng/năm.
Còn theo Chứng thư thẩm định giá của Vinacontrol lập ngày 29.10.2014, giá trị quyền sử dụng đất tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng là 110,7 tỉ đồng, giá trị công trình xây dựng, vật liệu kiến trúc trên đất là 9,9 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ xác định đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Số tiền thất thoát tạm tính trên 2,7 tỉ đồng. Ngoài ra, hợp đồng cho thuê mặt bằng có các điều khoản không chặt chẽ, khi kết thúc việc cho thuê không thực hiện việc giao, nhận lại mặt bằng, chưa tiến hành thanh lý hợp đồng dẫn đến còn tồn đọng công nợ giữa hai bên.
…và hàng loạt khu “đất vàng” khác
Một tài sản khác cũng có giá trị rất lớn mà Vinasport nắm giữ là 4.500m2 đất tại Cầu Diễn, Từ Liêm với mục đích đầu tư khu văn phòng, nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Vinasport thực hiện hợp tác với Intracom chuyển đổi khu đất đã không báo cáo về tổng mức đầu tư, vốn góp, năng lực triển khai dự án, nhưng vì lý do nào đó Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam (nay là Tổng cục Thể thao thuộc Bộ VH-TT&DL) vẫn chấp thuận.
Với một số văn bản đã ký về việc phê duyệt giá trị lợi nhuận trả trước, Thanh tra Chính phủ xác định không đúng quy định, có dấu hiệu cố ý báo cáo sai, ký không đúng thẩm quyền, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của quá trình hợp tác đầu tư.
Đến thời điểm thanh tra, tháng 11.2021, Vinasport chưa ký biên bản thanh lý hợp đồng chuyển giao với Intracom.
Ngoài ra, Vinasport còn một số cơ sở nhà đất tại phố Hàng Cháo (quận Đống Đa), được Nhà nước giao khi cổ phần hóa.
Tại đây, Vinasport đã thuê tư vấn đo vẽ phục vụ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích đất đã kê khai và nộp tiền thuê đất hàng năm là 380m2, trong đó số 4 phố Hàng Cháo có diện tích 100m2; số 4a, 4b, 4c ngõ Hàng Cháo diện tích 280m2. Phần diện tích đất còn lại do đơn vị này sử dụng từ khi cổ phần hoá đến tháng 6.2021 chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Tại khu đất số 18, Lý Văn Phức (Đống Đa), Vinasport thuộc đối tượng thuê đất nhưng trong suốt quá trình được giao quản lý, sử dụng, đơn vị này không nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế. Thanh tra Chính phủ nhận định đây là hành vi trốn thuế.
Thanh tra Chính phủ kết luận Vinasport chưa có giải pháp, quy định cụ thể để khai thác các cơ sở nhà, đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; chưa lập báo cáo kê khai và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định; cũng chưa đăng ký quyền sử dụng đất, kê khai đăng ký đất đai theo Luật Đất đai.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch sắp xếp lại các cơ sở sở nhà đất của Vinasport; giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Cục Thuế Hà Nội xử lý những sai phạm của Vinasport với đất chưa kê khai, đất cho thuê sai mục đích và truy thu số tiền thuế đất phải nộp.
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.
-
Hà Nội chỉ đạo khẩn về tiến độ 2 dự án BT
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 588 về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ thực hiện và những nội dung vướng mắc tại 2 dự án đầu tư công trình giao thông theo hình thức BT....
-
Tài sản gần 4 tỷ USD, một công ty bất động sản gây bất ngờ với doanh thu
Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã chứng khoán VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu thuần chỉ đạt 126 triệu đồng.
-
Loạt dự án của ông lớn bất động sản nằm trong kế hoạch sử dụng đất 2025 quận Nam Từ Liêm
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại quận Nam Từ Liêm vừa được phê duyệt, có nhiều dự án khu đô thị của Vinhomes, Handico, Tasco…