Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là thị trường bất động sản (BĐS) lớn nhất cả nước. Sự điều chỉnh khung giá đất ở đây không chỉ hướng đến giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất trên địa bàn Thành phố, mà còn có tác động đến các đô thị, địa phương lân cận. Bảng giá đất năm 2015 vừa được TP Hồ Chí Minh thông qua, được áp dụng trong thời hạn 5 năm có những điều chỉnh gì so với bảng giá đất cũ và có tác động như thế nào đến thị trường BĐS, đang là những vấn đề được n

Giảm dần sự chênh lệch giữa bảng giá với giá thị trường

Nói về những điều chỉnh bảng giá đất năm 2015 so với bảng giá đất cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ, sự cần thiết phải điều chỉnh là nhằm giảm dần sự chênh lệch giữa bảng giá và giá thị trường, bảo đảm lợi ích hài hòa của Nhà nước và người sử dụng đất, góp phần giảm tình trạng đầu cơ về đất.

Thị trường bất động sản ở TP Hồ Chí Minh sẽ không có biến động sau khi áp dụng bảng giá đất mới. (Trong ảnh: Một khu căn hộ đang mở bán tại quận 2).

Theo đó, bảng giá đất năm 2015 tại TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng bình quân 1,6 lần so với bảng giá đất năm 2014. Đối với đất phi nông nghiệp, mức giá cao nhất là 162 triệu đồng/m2, là đất nằm trên các tuyến đường: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1). Mức giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2, áp dụng cho đất thuộc nhóm đô thị đặc biệt tại 19 quận của Thành phố. Mặc dù điều chỉnh theo hướng tăng lên nhưng mức giá bình quân của đất phi nông nghiệp trên 3.833 tuyến đường nằm trong phạm vi điều chỉnh mới chỉ bằng 25-30% mức giá thực tế của thị trường. (Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, đất tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi… hiện có mức giá thị trường vào khoảng 500-590 triệu đồng/m2). Đất tại 5 thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành có khung giá từ 120 nghìn đồng/m2 đến 15 triệu đồng/m2. Riêng nhóm đất nông nghiệp vẫn giữ nguyên như khung giá năm 2014. Điểm đáng chú ý của bảng giá đất lần này là áp dụng trong thời hạn 5 năm, thay vì 1 năm như trước đây. Theo ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Đăng ký kinh tế đất, Sở Tài nguyên-Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc lấy mức giá đất bằng khoảng 25-30% giá thị trường là mức thấp nhất có thể, bảo đảm sự hài hòa giữa mặt bằng chung của giá đất Thành phố và khung giá của Chính phủ.

Với bảng giá đất mới, không ít người bày tỏ băn khoăn, liệu việc điều chỉnh giá đất theo hướng tăng lên có kéo theo sự tăng giá đột ngột của thị trường BĐS? Lý giải điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 23-1, cho rằng: So với khung giá đất của Chính phủ đã ban hành thì khung giá đất mới của TP Hồ Chí Minh vẫn thấp hơn, nên thị trường BĐS ở TP Hồ Chí Minh sẽ không có biến đổi lớn về giá cả trên thực tế. “Mức chênh lệch giữa bảng giá đất so với giá thị trường vẫn đang rất lớn nên sẽ không có chuyện giá thị trường BĐS tăng đột biến. Thị trường BĐS hiện vẫn đang khá ảm đạm ở nhiều phân khúc nên việc định giá cả mua bán là do tác động của quy luật cung-cầu và nhu cầu thực tế của người dân, chứ không lệ thuộc vào bảng giá đất. Nếu nhà đầu tư nào đó lợi dụng để tăng giá cũng không được, vì như thế, tự anh sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này sẽ giúp thị trường BĐS, nhất là phân khúc thị trường căn hộ chung cư ấm dần trở lại”-ông Châu khẳng định.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.400 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 426 dự án đã đưa vào sử dụng, 201 dự án đang triển khai xây dựng, 689 dự án đang tạm ngưng, 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Xu hướng chung của các nhà đầu tư là cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hạ giá thành để thu hút khách hàng.

Đối tượng nào chịu ảnh hưởng?

Theo ông Lê Hoàng Châu, đối với các nhà đầu tư, những dự án BĐS đã triển khai hầu như không bị tác động, bởi nhà đầu tư đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trước khi khung giá đất mới được áp dụng. Đối với các dự án sắp và sẽ triển khai, nhà đầu tư sẽ phải chịu mức giá tiền sử dụng đất cao hơn.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường TP Hồ Chí Minh, toàn Tành phố hiện còn hơn 97.000 hồ sơ nhà đất của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những đối tượng này sẽ phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không lớn vì theo quy định hiện hành, đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng chưa bị ảnh hưởng từ nay đến hết năm 2016. Các loại thuế liên quan đến chuyển nhượng BĐS và thu lệ phí trước bạ đất sẽ tăng nhưng không nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định: “Việc TP Hồ Chí Minh ban hành bảng giá đất năm 2015 trên cơ sở khung giá đất của Chính phủ theo quy định của pháp luật có những tác động nhất định đến mức đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính của các cá nhân, tổ chức đối với Nhà nước trong giao dịch đất đai. Việc áp dụng bảng giá đất không ảnh hưởng đến giá cả thị trường BĐS trong thời gian trước mắt. Vì vậy người dân không nên lo lắng”.

Phan Tùng Sơn (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.