Theo Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động. Bảng giá đất được dùng để xác định giá bồi thường, giá tái định cư, tính thuế chuyển nhượng, phí và lệ phí liên quan đến đất đai.
Sắp tới nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới. Ảnh: ITN
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo của Cục Quản lý đất đai tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá liên quan đến giá đất quý II/2025. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành bảng giá đất mới trước ngày 31/12/2025 để chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2026.
Các chuyên gia cho rằng, điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận với thị trường là xu hướng tất yếu, giúp tăng thu ngân sách và phản ánh đúng giá trị tài sản quốc gia. Tuy nhiên, nếu triển khai thiếu lộ trình, thiếu dữ liệu thực tiễn và không tính đến sức chịu đựng của từng nhóm đối tượng, chính sách rất dễ trở thành "cú sốc" thị trường, kéo theo hệ lụy kinh tế - xã hội phức tạp. Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật về thu ngân sách hay công cụ điều tiết thị trường, mà là bước đi chiến lược, đòi hỏi tư duy dài hạn, tầm nhìn toàn diện và cách tiếp cận linh hoạt. Mục tiêu sau cùng là bảng giá đất mới phải thực sự phản ánh đúng giá trị đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, từ đó góp phần kiến tạo thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và bền vững.
Bàn về vấn đề này, Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ làm tăng các khoản thu từ đất như tiền sử dụng đất, thuế, phí… qua đó tạo nguồn lực quan trọng để đầu tư hạ tầng và các chương trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, bảng giá đất sát thị trường cũng giúp giảm tình trạng "hai giá", hạn chế đầu cơ, minh bạch hóa giao dịch và đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Theo đó, người có đất bị thu hồi cũng sẽ được bồi thường công bằng hơn, giảm thiểu khiếu kiện.
Tuy nhiên, ông Quang cảnh báo, nếu việc điều chỉnh bảng giá đất diễn ra quá đột ngột, thiếu căn cứ thực tiễn, thì chi phí đầu tư sẽ tăng vọt, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở bình dân và trung cấp vốn đang rất thiếu trên thị trường. Hơn nữa, chi phí đất đai tăng cao còn có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp đòi hỏi quỹ đất lớn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh, việc điều chỉnh bảng giá đất cần lộ trình điều chỉnh linh hoạt, giàu tính nhân văn và dựa trên thực tiễn phát triển từng khu vực.
“Không nên áp dụng một mức điều chỉnh đồng loạt và cứng nhắc trên toàn quốc. Cần chia theo vùng, theo mức độ đô thị hóa và theo loại đất. Ở các khu vực có thị trường phát triển và có dữ liệu đầy đủ, có thể điều chỉnh sớm và nhanh hơn. Nhưng tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên có lộ trình tăng dần, vừa đảm bảo sinh kế người dân, vừa tránh gây sốc cho thị trường” - ông Huy khuyến nghị.
Việc điều chỉnh bảng giá đất cần lộ trình rõ ràng, linh hoạt theo vùng - Ảnh: ITN
Cùng với đó, chuyên gia này cũng đề xuất việc xây dựng hệ thống dữ liệu giá đất mở, cập nhật theo thời gian thực, tích hợp từ nhiều nguồn như cơ quan thuế, ngân hàng, sàn giao dịch… để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát và tham gia phản biện chính sách.
“Với doanh nghiệp nhỏ, người dân nghèo hoặc những khu vực khó khăn, cần có cơ chế giãn nộp, miễn giảm thuế và phí minh bạch, rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần có quy định về biên độ điều chỉnh tối đa hằng năm, tránh các cú sốc hành chính về giá đất có thể làm méo mó thị trường” - ông Huy nhấn mạnh.
Theo ông Huy, việc điều chỉnh bảng giá đất không chỉ là bài toán thuế, không chỉ là quyền và nghĩa vụ của các bên, mà là hành trình xây dựng một nền tảng bền vững cho quốc gia. Khi đất đai được định giá đúng, người dân được bảo vệ. Khi giá trị đất được phản ánh công bằng, nhà đầu tư được yên tâm dài hạn. Khi chính sách đi cùng sự minh bạch, nền kinh tế sẽ có thêm một trụ cột vững chắc.
-
Bảng giá đất: Nguy cơ hợp thức hóa ‘giá ảo’ do sốt đất
Luật Đất đai 2024 đã chính thức bỏ khung giá đất và trao quyền cho các địa phương xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá giao dịch thực tế. Tuy nhiên, bối cảnh giá thị trường liên tục biến động và chịu tác động từ những cơn sốt đất đang làm dấy lên lo ngại bảng giá đất có nguy cơ bị thao túng, vô tình hợp thức hóa mặt bằng giá ảo.
-
Sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ áp dụng bảng giá đất nào?
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất về việc áp dụng bảng giá đất từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2025 trên địa bàn thành phố sau sáp nhập.
-
Cục Quản lý đất đai: Bảng giá đất sắp tới sẽ có biến động lớn
Theo Cục Quản lý đất đai, sắp tới, bảng giá đất tại nhiều địa phương sẽ biến động mạnh, kéo theo nhiều tác động lên thị trường bất động sản.








-
Bất động sản TP.HCM dần hồi phục nhưng một phân khúc lại mất hút
TP.HCM gần như không còn nhà ở có giá vừa túi tiền, đặc biệt là loại căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2. 06 tháng đầu năm 2025, thành phố chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại với 3.353 căn nhà cao cấp đủ điều kiện huy động vốn....
-
Giá thuê khách sạn TP.HCM chạm đỉnh trước dịch, phân khúc 5 sao lên 4 triệu/đêm
Các chính sách nới lỏng thị thực và các đường bay thẳng mới đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM.
-
Ba “gọng kìm” siết ngành xây dựng toàn cầu
Dưới tác động của chi phí leo thang, vốn vay siết chặt và nhân lực thiếu hụt, ngành xây dựng toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển mình rõ nét. Báo cáo Savills Impacts 2025 chỉ ra rằng, những thách thức này không chỉ làm chậm tiến độ các dự án mới ...