12/07/2017 3:47 PM
Trong cuộc làm việc sáng 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đề cập tới nhiều vấn đề xung quanh chủ đề quân đội làm kinh tế, giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho địa phương...
Sáng 12/7, khi đến thăm, kiểm tra Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện đề án sắp xếp cấu trúc lại các doanh nghiệp quân đội, thoái vốn và giải thể các doanh nghiệp không hiệu quả.
Sẽ giải thể các doanh nghiệp thương mại thuần túy
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải thể các doanh nghiệp kinh tế thương mại thuần túy, không hoặc ít có nhiệm vụ quan sự quố phòng... sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, phù hợp thế bố trí chiến lược.
Đây là đề án hết sức quan trọng nên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ cương quyết thực hiện trong thời gian tới.
Cũng theo đại tướng Lịch, nếu như trước đây quân đội có hơn 300 doanh nghiệp thì đã rút xuống còn 88 doanh nghiệp. Trong đề án Bộ trình Chính phủ sẽ rút xuống 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng lưu ý phát triển kinh tế quốc phòng là chủ trương nhất quán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong thực hiện nhiệm vụ, Quân ủy Trung ương tham gia xây dựng phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, làm kinh tế và quốc phòng là nhiệm vụ lâu dài.
Bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho địa phương
Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ đang yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, rà soát, bàn giao cho các địa phương, khu kinh tế đất quốc phòng chưa sử dụng vào mục đích quốc phòng để tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo luật và quy hoạch địa phương.
Những năm gần đây quân đội tham gia tốt việc xóa đói giảm nghèo, từ đó hình thành nên 23 khu kinh tế quốc phòng, thuộc các binh đoàn, quân khu với hàng triệu hecta đất canh tác. Điều này giúp hình thành thế bố trí chiến lược, đặc biệt trên dọc tuyến biên giới từ Bắc vào Nam. Quân khu 1, 2, 3, 4, 5 đều có kinh tế quốc phòng, bố trí ở địa bàn trọng yếu phên dậu của đất nước. Những vùng này chỉ có quân đội mới dám vào.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch kiểm tra Tân Cảng sáng 12/7. Ảnh: Hải An.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, các doanh nghiệp quốc phòng phát triển rất quan trọng, trở thành đối tác kinh tế lớn. Các thương hiệu như Viettel, Tân Cảng, Ngân hàng Quân đội… là những doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín.
"Có thể thấy nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng kinh tế đã và đang là một chức năng nhiệm vụ của quân đội. Quan điểm nhất quán này, nhiệm vụ này được quán triệt xuyên suốt trong mọi thời kỳ", Bộ trưởng nói.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: “Quân đội làm kinh tế là củng cố, gia tăng tiềm lực quốc gia, trang bị vũ khí, khí tài quân đôi. Quân đội tham gia làm kinh tế là tham gia hội nhập quốc tế, góp phần tham gia vị thế kinh tế với bên ngoài”.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ tham mưu cho Thủ tướng để thực hiện kinh tế quốc phòng; điều chỉnh bổ sung các khu kinh tế quốc phòng để phù hợp với thế trận an ninh vững chắc trên toàn quốc.
"Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao quỹ đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng sai mục đích đất quốc phòng cũng như doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế vi phạm quy định", ông Lịch nhấn mạnh.
Đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp khi thu hồi sân golf
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội sẵn sàng thu hồi đất sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu.
Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf để mở rộng sân bay bay Tân Sơn Nhất khi có chỉ thị của Chính phủ. Ảnh: Lê Quân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị, việc thu hồi phải đúng pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ, phục vụ cho lợi ích an ninh quốc phòng. Trong quá trình thu hồi, cần bình tĩnh, đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đầu tư vào sân golf. Nếu đã thu hồi thì cương quyết không cho phép bất cứ doanh nghiệp nào khác đầu tư vào khu vực đất quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch ngay từ đầu năm 2017, Bộ đã chỉ đạo dừng toàn bộ việc xây dựng các hạng mục dịch vụ như công trình nhà hàng, khách sạn, biệt thự... ở trong 2 sân golf Long Biên và Tân Sơn Nhất.
Ông cũng thông tin từ năm 2013, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hơn 1.500 ha đất quốc phòng cho 13 sân bay địa phương mở rộng, xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế.
Với sân bay Tân Sơn Nhất, giai đoạn 2007-2017, Bộ Quốc phòng đã 4 lần bàn giao 98 ha đất cho Bộ Giao thông Vận tải mở rộng xây dựng đường lăn, bãi đậu cho tàu bay. Gần nhất, Bộ vừa bàn giao cho sân bay Đà Nẵng hơn 20 ha đất để mở rộng sân bay.
Phước Tuần - Bình Nguyên (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.