Đại biểu cho biết tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng vẫn còn băn khoăn.
Ngân hàng lãi lớn nhờ bảo hiểm
Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, câu chuyện về 1 người phụ nữ vì khoản nợ phải trả, phải đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng, bước ra khỏi ngân hàng mà 2 hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc mà ông tình cờ được gặp khi đến ngân hàng thương mại đã thôi thúc ông phát biểu lần nữa về vấn đề này.
Ông Thịnh nêu rõ khi phát biểu tại kỳ họp trước đó, ông đã nêu 3 thông tin, trong đó có mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 40% cho phí bảo hiểm năm đầu.
Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang). Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Thịnh bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp.
“Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng”, ông Thịnh nêu vấn đề.
Cũng theo đại biểu, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại.
Nêu số liệu năm 2020, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỷ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) là 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng; chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm.
“Như vậy có thể nói giai đoạn từ 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỉ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại”, vị đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh.
Cần quy định chặt chẽ hơn về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.
“Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận”, ông Thịnh bày tỏ lo ngại.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng rồi. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.
Thành lập công ty bảo hiểm thì phải có trụ sở bảo hiểm. Đằng này trụ sở bảo hiểm thì không có. “Ở Đồng bằng sông Cửu Long, có trường hợp dân mua bảo hiểm có khiếu nại nhưng được ngân hàng chỉ sang các tỉnh khác, rất khó khăn”, đại biểu nêu ví dụ.
-
Kết quả trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đã tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng. Công tác thanh kiểm tra tập trung vào nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hay khiếu nại về bảo hiểm...
-
Đề nghị trao quyền mạnh hơn cho Ngân hàng Nhà nước để xử lý các sự cố như SCB
Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước các sự cố ngân hàng nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ...