Những ngày qua, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành về Tây Hồ Tây và Mễ Trì của Chính phủ đã khiến thị trường bất động sản hai khu vực này rộn ràng trở lại.
Rất nhiều DN, nhà đầu tư, ráo riết đếm ngược đến năm 2030 để… tìm cơ hội.
Đồng loạt tăng giá
Gõ từ khóa “bán đất gần Bộ Ngoại giao (Mễ Trì)”, lập tức ra đến 2.540.000 kết quả chỉ trong 0,45 giây. Thực tế này chứng minh sức nóng từ tâm lý “nhà ở gần nơi làm việc mới”.
Ngay cả khi một số bộ, ngành chưa dịch chuyển đến trụ sở mới, các lô đất, khu đất (được hoạch định tại Tây Hồ hoặc Mễ Trì) thuộc khu vực lân cận cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều DN chuyên săn đất chạy trước quy hoạch. Giới thạo tin và nhiều chuyên gia BĐS khẳng định: “Việc giá đất tăng bởi sự “chuyển nhà” của hơn 10 bộ, ngành là hoàn toàn có cơ sở. Khó có trường hợp được đặc cách ngoại lệ theo quy hoạch chung Thủ đô mà Thủ tướng đã ký.
Đích tương lai năm 2030 với các nội dung đồ sộ được dư luận quan tâm chắc chắn phải hoàn thành ở một số hạng mục nhất định. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở yếu tố thời gian”.
Một góc quận Tây Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ vài ngày sau khi Văn phòng Chính phủ đốc thúc về quy hoạch bộ, ngành liên quan tới Mễ Trì và Tây Hồ Tây, hầu hết các mảnh đất (kể cả xen kẹt hay chưa chuyển mục đích ở) đều không hẹn mà… lên giá.
Tại làng bún Phú Đô (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), gần trụ sở Bộ Ngoại giao mới, cách đây 4 tháng, giá trị mảnh đất 80m2 mặt ngõ rộng 6m vào khoảng 4 tỷ đồng. Giữa tháng 10/2017, chủ mảnh đất phát giá gần 5,5 tỷ đồng. Căn nhà cấp 4 lụp xụp, diện tích khoảng 60m2 nằm ở ngõ nhỏ trục đường Lương Thế Vinh (đoạn gần hồ Mễ Trì) bỗng lao lên mức gần 70 triệu đồng/m2 (so với 50 triệu đồng hồi đầu năm 2017).
Hầu hết, khi được hỏi về lý do giá đất tăng chóng mặt, các gia chủ lý giải: Khu vực này sắp thành trung tâm Hà Nội rồi. Mua xong, vài năm nữa bán lại cho người khác giá phải lên tới 100 triệu đồng/m2(?!).
Tương tự, tại khu vực Tây Hồ Tây, ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản tăng cao đột biến tại cả phân khúc chung cư lẫn đất thổ cư. Do có vị trí đẹp và thoáng hơn nên giá BĐS ở đây luôn ở ngưỡng cao, với 350 – 400 triệu đồng/m2 đất nền và 30 – 50 triệu đồng/m2 căn hộ.
Trong khi đó, thị trường chung cư khu vực Tây Hồ Tây cũng được các chủ đầu tư bung hàng rầm rộ như khu ngoại giao đoàn, Sunshine Riverside… với lượt giao dịch không hề trầm lắng.
"Hạ tầng phát triển đồng bộ cùng với cầu tăng đột biến do tâm lý nhà ở gần nơi làm việc mới là cú hích đúp khiến thị trường BĐS khu vực Tây Hồ sốt trở lại cả về giá lẫn tính thanh khoản" - Chuyên viên tư vấn tại Cen Group Trần Xuân Tùng lý giải.
Tiên quyết vẫn là hạ tầng
Các nhà đầu tư BĐS nhỏ lẻ tại Hà Nội cho biết, phải xác định được kế hoạch và thực hiện từng bước thật cân nhắc mới mong kiếm được lợi nhuận từ những bản đồ án quy mô nêu trên.
Tích lũy đủ kinh nghiệm xương máu (ngâm gần chục tỷ đồng tại nhiều khu đất ở Ba Vì, Sóc Sơn, Hoài Đức), một nhà đầu tư khẳng định: Thời điểm này ít ai dám “ôm” quá nhiều lô đất đã có tên trong quy hoạch để chờ cơ hội sang nhượng. Ngược lại, đây vẫn là khoảng thời gian để tích tiền, gom vốn và “săn” những chủ đất không nắm được thông tin quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam, bất cứ một phân khúc BĐS nằm trong quy hoạch hay ngoài quy hoạch cũng đều có những cơ hội đầu tư nhất định, kể cả lúc thị trường lên hay xuống.
Vấn đề nhà đầu tư phải biết nhìn nhận đâu là BĐS có thể mang lại giá trị thật sự của thị trường. Bởi, đây mới là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp giá trị và thanh khoản tăng cao. Chặng đường đầu tư – ăn lời theo quy hoạch không thích hợp cho những nhà đầu tư vốn yếu.
Theo quy luật, muốn chốt lời cao, phải chấp nhận chờ đợi trong một thời gian dài, khi hạ tầng lẫn tâm lý người dân bình ổn khi đánh giá về tiềm năng BĐS tại khu vực này.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ lưu ý, các khu trung tâm làm việc mới, dù đã lác đác xuất hiện, song phải mất ít nhất vài năm nữa cơ sở hạ tầng xung quanh như đường sá, các dự án hay dịch vụ vệ tinh… mới hình thành.
Trong thời gian đó, nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng có thể biến động khó lường, nhà đầu tư nên cân nhắc vấn đề này trước khi quyết định đầu tư vào khu vực này. “Với các nhà đầu tư đất thổ cư đang hướng sự chú ý vào các mảnh đất xen kẹt, cần đánh giá kỹ khả năng chốt lời trước khi đầu tư vào. Tránh nguy cơ mua phải đất dính tranh chấp, đất thế chấp (không thể làm sổ đỏ) và bị hớ luôn trực chờ” – ông Võ khuyến cáo.
Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ, ngành sau khi di dời. Dự tính tổng vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời khoảng 17.000 tỷ đồng.
Trong đó, khu Tây Hồ Tây hơn 8.500 tỷ đồng (gồm 5 bộ, ngành thuộc khối kinh tế là Bộ KH&ĐT; Bộ NN&PTNT; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ GTVT và Bộ Xây dựng), khu Mễ Trì khoảng hơn 9.400 tỷ đồng (6 cơ quan thuộc khối văn xã là Bộ VHTT&DL (4,1ha), Bộ TT&TT(2,87ha), Bộ GD&ĐT(3,52ha), Bộ Y tế (2,36ha), Bộ LĐTB&XH (3,32ha), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2,53ha).
Vân Hằng (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.