26/02/2021 2:18 PM
Biến tướng trong đầu tư điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Tính đến ngày 1.1.2021 cả nước đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà. Ảnh: TL.

Trong 3 tháng cuối năm 2020, khu vực Tây Nguyên đặc biệt là các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước xuất hiện nhiều nhóm nhà đầu tư thuê đất của dân để làm dự án điện mặt trời áp mái và hứa hẹn người dân chỉ cần ký giấy tờ do bên họ chuẩn bị sẵn thì sẽ nhận được tiền thuê đất hằng tháng khoảng 30 triệu đồng/ha.

Nhóm đầu tư này mua gom đất nông nghiệp của các hộ dân, rồi làm thủ tục xin đấu nối với Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk). Điều kiện để được đấu nối là phải có dự án nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), tận dụng tầng mái công trình lắp pin năng lượng. Theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các công trình điện mặt trời trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công Thương phê duyệt. Vì vậy, nhóm nhà đầu tư này thành lập thêm nhiều công ty con, chia nhỏ dự án (dưới 1 MWp) nhằm lách luật.

Thông tin từ Công ty Điện lực Đắk Lắk cũng cho biết, từ cuối năm 2019-2020 chỉ cần có “dự án nông nghiệp” làm điện mặt trời áp mái và thỏa thuận đấu nối với công ty điện lực địa phương, thì sau khi đóng điện sẽ bắt đầu thu lợi nhuận.

Sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt điện áp mái là mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: tienphong.vn.

Tuy nhiên, vấn đề rủi ro tiềm ẩn rất lớn với người dân cho thuê đất là sau khi đất chuyển đổi thành tài sản của dự án thì sẽ không còn thuộc sở hữu của người dân. Phần đất đã làm lắp đặt pin năng lượng mặt trời hầu như không canh tác thêm gì được, ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch nông sản địa phương. Thực tế ghi nhận, sau khi hoàn thành mục đích bán điện với giá cao, nhiều dự án này không có bất kỳ hoạt động gì để thu lợi nhuận ngoài việc sản xuất bán điện. Để hợp thức hóa, chủ đầu tư chỉ thả gà, trồng cây...

Sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt điện áp mái là mô hình kinh tế tuần hoàn, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đất mà còn tạo ra những giá trị to lớn ở vùng đất khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững. Thế nhưng, lợi ích này bị “bóp méo” với nhiều mái nhà “giả” xuất hiện trên đất nông nghiệp nhằm hưởng giá ưu đãi 1.900 đồng/kWh với loại điện mặt trời mái nhà, theo EVN.

Báo cáo cuối năm 2020 của EVN cũng cho thấy, tính đến ngày 1.1.2021 cả nước đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Trong đó, có rất nhiều dự án điện mặt trời xấp xỉ 1 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp.

Riêng ở 3 tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, số lượng dự án điện mặt trời đã tăng gấp 5 lần trong một năm qua, trong đó có trên 40% công suất hòa lưới điện đến từ các trang trại nông nghiệp (thống kê từ Công ty Điện lực Đắk Nông, Công ty Điện lực Đắk Lắk). Với tốc độ phát triển điện mặt trời áp mái ồ ạt trên đất nông nghiệp như hiện nay, chỉ trong vòng 5 năm tới, diện tích đất trồng trọt và đất rừng trong khu vực sẽ thu hẹp ít nhất 23%.

“Các địa phương cần sớm rà soát những dự án quy mô nhỏ trên địa bàn để tránh tình trạng núp bóng trục lợi. Ngoài ra, nếu xét điện mặt trời mái nhà thì chỉ nên đưa ra mức cao nhất là 200 KW, tương ứng với khoảng 2.000 m2 diện tích lắp đặt. Thực tế, không nhiều hộ gia đình, tòa nhà công sở có diện tích lớn hơn mức này”, ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ecotech Việt Nam, chia sẻ.Riêng ở 3 tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, số lượng dự án điện mặt trời đã tăng gấp 5 lần trong một năm qua, trong đó có trên 40% công suất hòa lưới điện đến từ các trang trại nông nghiệp (thống kê từ Công ty Điện lực Đắk Nông, Công ty Điện lực Đắk Lắk). Với tốc độ phát triển điện mặt trời áp mái ồ ạt trên đất nông nghiệp như hiện nay, chỉ trong vòng 5 năm tới, diện tích đất trồng trọt và đất rừng trong khu vực sẽ thu hẹp ít nhất 23%.

Hiện tại, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực. Theo đó, EVN đã dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31.12.2020 cho tới khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Các nhóm nhà đầu tư dự án điện mặt trời áp mái ở các vùng sâu vùng xa bỗng mất tích, sau khi thuyết phục người dân cho thuê đất chặt hết cây nông nghiệp lâu năm.

Nhiều hình thức gian lận thương mại phía sau các dự án năng lượng sạch đánh vào lòng tham của nông dân sẽ tiếp tục xảy ra nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không kịp thời thông báo những quy định và hướng dẫn rõ ràng cho người dân về chính sách phát triển của Nhà nước. Thêm vào đó, việc cho phép các dự án điện mặt trời tiếp tục triển khai trên đất nông nghiệp mà không có quy hoạch tầm nhìn dài hạn thì lối ra cho năng lượng bền vững vẫn mãi là một vòng luẩn quẩn.

Kim Thùy (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.