Ngày 13/1, theo nguồn tin của Tiền Phong, Cục Hải quan Tây Ninh vừa báo cáo Tổng cục Hải quan số thu thuế, phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính đối với 6 dự án điện mặt trời trên địa bàn.
Theo đó, 6 dự án điện mặt trời lớn bị phạt với số tiền lên tới trên 50 tỷ đồng, liên quan đến các tờ khai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019.
Trong đó, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 có số thuế nhập khẩu phải nộp hơn 112 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 11,2 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp hơn 28,3 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 12,3 tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 có số thuế nhập khẩu phải nộp hơn 10 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 1 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp hơn 2 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 1,1 tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh có số thuế nhập khẩu phải nộp hơn 10,4 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 1 tỷ đồng. Số tiền phạt chậm nộp hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 1,14 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, các dự án Dầu Tiếng 1, 2; Dầu Tiếng 3, thuộc Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng - Hợp tác đầu tư giữa Cty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan).
Đây được xem là cụm Nhà máy Điện Mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại, với tổng mức đầu tư khoảng 9,1 nghìn tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW.
Dự án được khởi công vào cuối tháng 6/2018. Sau gần 1 năm thi công xây dựng và lắp đặt, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng: Dầu Tiếng 1 và Dầu tiếng 2 đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019.
Cụm Nhà máy dầu tiếng 1, 2 đi vào hoạt động cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm. Ước tính, bằng khoảng mức tiêu thụ điện hàng năm của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam.
Được biết, Công ty TNHH Xuân Cầu (Xuân Cầu Holding) có địa chỉ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 2.150 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2000, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, Cty năng lượng B.Grimm Power (BGP), một nhánh đầu tư của tập đoàn Thái Lan B.Grimm có thế mạnh trong việc đầu tư xây dựng các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió…
Hiện nay, Tập đoàn B.Grimm đang vận hành 45 dự án điện với tổng công suất lắp đặt là 2.892 MW, trong đó có 24 dự án sản xuất điện mặt trời, 17 dự án nhiệt điện, 3 dự án thủy điện và một dự án phát điện bằng diesel. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang phát triển 11 dự án điện nữa mà khi hoàn thành sẽ giúp tăng tổng công suất lên 3.245 MW.
Tại Việt Nam, BGP cùng hợp tác với các đối tác đầu tư xây dựng nhà máy điện dầu diesel tại Biên Hòa với công suất 13 MW, vận hành từ năm 1999, dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1&2 (tỉnh Tây Ninh) với tổng công suất 420 MW, dự án nhà máy điện mặt trời Phú Yên (tỉnh Phú Yên) với công suất 257 MW.
-
Chuyên gia hiến kế khôi phục dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD thành ‘phế liệu’
Liên quan đến Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD ở Quảng Bình thành “phế liệu” TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá đã chủ động liên lạc với Tiền Phong. TS Khải cho rằng, dù rất đau xót nhưng, dự án cần sửa chữa, khôi phục hỏng hóc, không được thanh lý.