Theo quy hoạch được công bố, đến năm 2020 thành phố không đầu tư xây dựng nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng và hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trộn ximăng ra khỏi thành phố đến những địa phương có quy hoạch phù hợp. Đồng thời di dời các cơ sở sản xuất VLXD đến những địa phương khác hoặc vào các khu công nghiệp của thành phố và đảm bảo đến năm 2015 không còn cơ sở sản xuất VLXD công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp trên địa bàn. Không khai thác đất sét sản xuất gạch nung, đá xây dựng, cát xây dựng trên địa bàn thành phố mà khuyến khích các doanh nghiệp VLXD thành phố liên doanh liên kết với các địa phương Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu... đầu tư khai thác các loại vật liệu này. Ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết định hướng phát triển quy hoạch VLXD của thành phố đến năm 2020 hướng tới sự ổn định và bền vững. Thành phố sẽ phát triển ngành VLXD có công nghệ sản xuất hiện đại tạo ra các sản phẩm chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, ít tiêu hao nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Đối với các lò gạch nung, trong năm 2011 TP. sẽ giải quyết các lò gạch còn tồn tại ở quận 9, phần lớn các lò gạch nằm ở khu công viên văn hóa dân tộc, khi triển khai dự án đã có kế hoạch di dời nên chắc chắn đến cuối năm 2011 thành phố sẽ giải quyết dứt điểm.
Tốc độ đô thị hóa ở thành phố diễn ra rất nhanh, nhu cầu xây dựng các công trình càng gia tăng vì vậy TP.HCM là khu vực hấp dẫn nhất trong việc tiêu thụ, ứng dụng các chủng loại VLXD của cả nước. Trong đó sản phẩm gạch xây sử dụng số lượng rất lớn trong mỗi công trình xây dựng, thói quen sử dụng gạch đất sét nung để xây dựng kết cấu bao che thay vì gạch không nung như các nước tiên tiến trên thế giới là thói quen cần thay đổi. Ông Nguyễn Tấn Bền- GĐ Sở Xây dựng cho rằng càng phát triển ngành công nghệ VLXD thành phố càng đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại. Thực hiện Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020, thành phố khuyến khích phát triển các VLXD không nung và từng bước xóa bỏ các cơ sở sản xuất sử dụng đất sét làm gạch ngói nung.
Làm rõ hơn những lợi ích của việc sử dụng VLXD không nung, ông Lê Văn Tới- Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết đến năm 2020 ngành xây dựng cả nước sẽ cần khoảng 4,2 tỷ viên gạch, nếu sử dụng gạch đất nung thì diện tích đất nông nghiệp hàng năm mất đi tương đương với diện tích một xã. VLXD không nung còn tận dụng được phế thải công nghiệp như tro nhiệt điện, xỉ lò cao... sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và hàng trăm hecta diện tích đất chứa phế thải. Sử dụng vật liệu không nung tiết kiệm tài nguyên quốc gia, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.