Chỉ trong vòng 1 ngày, dự án cải tạo nhà ở đã được cấp giấy phép xây dựng. Đây là kết quả từ việc áp dụng cơ chế "cấp phép nhanh" ở Sở Xây dựng TP. Toronto (Canada), một hướng cải cách thủ tục hành chính làm lợi cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý.

Bài học từ TP. Toronto trong cấp phép xây dựng: Lợi cả đôi nhà

Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch một cửa ở quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải


Không riêng Toronto, nhiều thành phố ở các nước phát triển đã áp dụng quy trình "cấp phép nhanh" để xử lý hồ sơ cho các dự án nhỏ hoặc dự án thương mại thông thường. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của dự án, quy mô và địa điểm thực hiện, dự án đó sẽ được "cấp phép nhanh" tới đâu.


Lý giải vì sao quy trình này lại được nhiều nước tiên tiến "chuộng" như vậy, tại hội thảo giới thiệu các thực tiễn tốt về cải cách thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Nếu áp đặt quy trình thẩm định đầy đủ với cả những dự án đơn giản sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng việc xây dựng không phép, phi chính thức. Vì thế, đơn giản hóa thủ tục đối với loại dự án này sẽ giúp công tác quản lý xây dựng tốt hơn, an toàn toàn hơn.


Trở lại câu chuyện của TP. Toronto, quy trình "cấp phép nhanh" chỉ yêu cầu các nhà đầu tư nộp hồ sơ theo mẫu chung, nộp lệ phí cấp phép, bản vẽ mặt bằng và bản vẽ thi công công trình là đã hoàn thành xong các thủ tục xin cấp phép. Không quá 10 ngày, các công trình sử dụng cho mục đích lắp đặt nhẹ, sản xuất, kinh doanh, văn phòng, bán lẻ… đã có thể được cấp phép xây dựng. Trong khi những dự án công trình dân sinh có thể được cấp giấy phép "tại chỗ" - sau vài giờ thẩm định là hồ sơ dự án đã được phê duyệt. Tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Xây dựng sẽ ra quyết định "tại chỗ" hay sau vài ngày nhưng thời gian không quá 5 ngày làm việc.


Tương tự với quy trình cấp phép kiểu "siêu tốc" ở Toronto là hệ thống câp phép xây dựng "công trình nhỏ" ở Hồng Kông (Trung Quốc). Cơ quan quản lý xây dựng Hồng Kông đã triển khai hệ thống này từ tháng 12/2010 cho một loạt các dự án đầu tư xây dựng nhỏ được xem là ít rủi ro cho sức khỏe và an toàn môi trường.


Trước khi hệ thống này được áp dụng, bất kỳ công trình xây dựng quy mô lớn nhỏ nào cũng đều điều chỉnh theo một loạt quy định chung, trong đó có quy định dự án phải được cơ quan quản lý xây dựng chấp thuận và phê duyệt trước khi khởi công, phải chỉ định kỹ sư thiết kế, kỹ sư thi công, kỹ sư giám sát, cũng như phải thuê nhà thầu đã được cấp phép để thực hiện công trình. Thực tế cho thấy, quy định cứng nhắc như vậy đối với các công trình nhỏ là không cần thiết vì nó gây khó dễ cho việc quản lý và hiệu lực thực thi pháp luật, xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng không có giấy phép nhưng vẫn mọc lên. Do đó, tháng 5/2009, chính quyền Hồng Kông đã sửa đổi luật và ban hành Quy định xây dựng công trình nhỏ, cho phép 118 hạng mục công trình được áp dụng cơ chế cấp phép mới. Điểm chung của quy định mới là cho phép khởi công xây dựng công trình quy mô nhỏ mà không cần cơ quan quản lý xây dựng phê duyệt bản vẽ trước và chấp thuận bằng văn bản trước, miễn là công trình được thiết kế và thực hiện bởi người có chuyên môn đã được cấp phép hành nghề.


Nhìn lại tình hình quản lý xây dựng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng song thực tiễn thực thi ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo. Bên cạnh một số thủ tục đã được giản lược như thủ tục Thẩm định dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới được Bộ Xây dựng giảm thời gian giải quyết từ 90 ngày xuống 60 ngày (đối với khu có quy mô sử dụng đất từ 200ha trở lên) và từ 65 ngày xuống 45 ngày (đối với khu quy mô dưới 200ha) thì những dự án quy mô nhỏ hơn vẫn chậm cấp phép một cách khó hiểu (?). Nếu chúng ta học hỏi một cách có chọn lọc cách làm ở các nước phát triển thì chắc chắn sẽ tiết giảm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại cho người dân và hơn cả là không để xảy ra tình trạng các công trình trái phép đua nhau mọc lên như nấm sau mưa.q


Nhiều chuyên gia nhận xét: Cơ quan quản lý xây dựng đã thu được nhiều lợi ích từ cơ chế cấp phép mới mẻ này như giảm tình trạng xây dựng không phép, tăng độ an toàn xây dựng, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực của cơ quan quản lý. Không nhất thiết phải sửa đổi luật và ban hành quy định như Hồng Kông, quy trình giải quyết thủ tục ở Singapore cũng có một thông lệ tốt là gắn mã số cho mỗi hồ sơ khi bắt đầu được thụ lý. Tất cả các cơ quan nhà nước đều sử dụng chung mã số này để tạo sự thống nhất trong tất cả các văn bản liên quan.

Theo Trang Anh (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.