Bắc Ninh: Đề nghị kỷ luật đảng nhiều tập thể, cá nhân Hệ thống nhà xưởng của các cơ sở cơ bản đều không đảm bảo tiêu chuẩn, tiểm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Ảnh: HH
Bỏ qua quy định về PCCC
Các DN, hộ kinh doanh, ven Tỉnh lộ 286 thuộc địa bàn TP Bắc Ninh chủ yếu được hình thành tự phát từ các hộ gia đình. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực gia công chế biến gỗ, sản xuất giấy KRAFT và giấy vàng mã… nguy cơ cháy nổ rất cao.
Tuy nhiên, hệ thống nhà xưởng của các đơn vị đều không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiểm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Nghiêm trọng hơn, khi xảy ra cháy, nổ không có khả năng để triển khai các phương án chữa cháy.
Điển hình như tại Công ty (Cty) TNHH Chế biến Gỗ Hải Hậu, từ năm 2015 đến nay, Cty không đầu tư kinh phí hoạt động PCCC; chưa trang bị hệ thống báo cháy và cấp nước chữa cháy, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy...
Tương tự, tại Cty TNHH Sản xuất Hiếu Thuận ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh pallet gỗ, bao bì gỗ, các sản phẩm làm từ gỗ... Đây là những vật liệu rất dễ cháy, nhưng Cty không có các công trình và phương tiện để PCCC cũng như không thực hiện các biện pháp PCCC.
Là Cty sản xuất kinh doanh giấy, nhưng Cty TNHH VIPHACO không chú trọng PCCC. Tại thời điểm thanh tra, các bình chữa cháy không hoạt động, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, chưa lắp hệ thống PCCC theo quy định...
Xả thải bừa bãi ra môi trường
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều không có hệ thống bảo vệ môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của các đơn vị còn thấp, dẫn đến toàn bộ nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều vô tư xả trực tiếp ra môi trường.
Tạm đình chỉ hoạt động 4 cơ sở sản xuất UBND tỉnh yêu cầu, UBND TP Bắc Ninh tạm đình chỉ hoạt động đối với 4 tổ chức, hộ gia đình sản xuất giấy do các cơ sở này nằm trong khu dân cư, ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, các chủ DN này còn có hành vi lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không có giấy phép… |
5/9 DN, cơ sở sản xuất được thanh tra không có đề án bảo vệ môi trường; 4 đơn vị được cấp các loại giấy phép về bảo vệ môi trường, nhưng việc xin phép chỉ mang tính hình thức; 5 đơn vị không báo cáo tình hình phát sinh quản lý chất thải.
Đối với chất thải nguy hại, vẫn có đơn vị không có hợp đồng và chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép thu gom, vận chuyển, xử lý; 4 tổ chức, hộ gia đình xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Điển hình như Cty TNHH Hiếu Thuận không lập báo cáo phát sinh và quản lý chất thải nguy hại theo quy định; thực hiện không đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường đình kỳ hàng năm. Nước thải trong quá trình sản xuất được thải trực tiếp ra môi trường.
Cty TNHH VIPHAC chưa có đề án bảo vệ môi trường cũng như không báo cáo tình hình phát sinh quản lý chất thải theo quy định. Nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất được xả trực tiếp ra hệ thống cống chung của khu dân cư. Hệ thống khí khải cũng vô tư thoát ra ngoài môi trường…
Lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích
Do hình thành tự phát nên toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất cơ bản là đất ở lâu dài và đất khác do lấn, chiếm. Việc xây dựng nhà xưởng cơ bản không có giấy phép xây dựng.
Điều đáng nói là các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng này có tính chất phổ biến và diễn ra trong thời gian dài, nhưng không được các cơ quan Nhà nước phát hiện, xử lý.
Trong 9 DN, cơ sở sản xuất được thanh tra lần này thì có tới 8 đơn vị sử dụng đất sai mục đích, trong đó có 7 đơn vị vừa sử dụng đất sai mục đích vừa lấn, chiếm đất. Tổng số diện tích đất bị lấn chiếm là hơn 6 nghìn m2.
Không chỉ vi phạm pháp luật về đất đai, các DN, hộ gia đình còn xây dựng công trình không có giấy phép, xây dựng nhà xưởng không đúng quy hoạch....
Đơn cử như Cty TNHH Hiếu Thuận, tổng diện tích xây dựng hơn 2 nghìn m2. Cty xây dựng các hạng mục công trình không có giấy phép; 1 số công trình xây trên đất lấn chiếm. Đáng nói, có công trình mới được xây năm 2017 và bàn giao sử dụng năm 2018 nhưng cũng không bị các có quan chức năng xử lý.
Buông lỏng quản lý
Kết luận thanh tra khẳng định, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, cụ thể là UBND phường Phong Khê và UBND phường Vạn An, các phòng chuyên môn (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản Lý đô thị, Đội Trật tự TP) thuộc UBND TP Bắc Ninh đã buông lỏng công tác quản lý Nhà nước để cho các vi phạm diễn ra trong thời gian sau nhưng không có biện pháp xử lý triệt để.
Nhiều DN, hộ kinh doanh lấn, chiếm đất đai, xây dựng công trình không có giấy phép, sai quy hoạch… Ảnh: HH
Đặc biệt, công tác quản lý đất đai tại khu vực này rất lỏng lẻo để các DN, hộ gia đình sử dụng đất sai mục đích, lấn, chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất hành lang đê và đất hành lang đường Tỉnh lộ 286…
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường nhưng chưa kịp thời chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý thông tin địa chính; chưa có các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về đất đai; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện sau cấp phép bảo vệ môi trường chưa thường xuyên để các cơ sở được cấp phép không thực hiện đúng nội dung cấp phép.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng thiếu kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai phạm trong xây dựng.
UBND tỉnh yêu cầu, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Yên Phong kiểm điểm hành chính trong công tác quản lý Nhà nước.
Đáng chú ý, UBND tỉnh cũng đề nghị Thành ủy Bắc Ninh, Đảng ủy phường Vạn An, Đảng ủy Phường Phong Khê tiến hành kiểm điểm, quy trách nhiệm để xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với các tập thể, cá nhân theo thẩm quyền.