CafeLand - Theo thông tin từ Tạp chí Nhà đầu tư, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được chấp thuận.

Bà Trương Mỹ Lan

Theo nguồn tin này, trước đó, giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Những cá nhân này đều không nêu lý do khi nộp đơn xin rút hồ sơ sau đó.

Bà Trương Mỹ Lan được biết đến là chủ của Vạn Thịnh Phát, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn.

Công ty CP Tập đoàn Đầu Tư Vạn Thịnh Phát ra đời vào năm 1992 với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng, khách sạn, sau đó mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông. Đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.

Trong các dự án do Vạn Thịnh Phát đầu tư , nổi bật nhất có lẽ phải kể đến tòa nhà khách sạn 6 sao Time Square nằm ở 2 mặt tiền đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ (quận 1) hiện đã hoàn thiện, đưa vào khai thác.

Không chỉ có Time Square, khu đất tứ giác vàng mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ - đường Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế cũng có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Khu đất này được giao theo hình thức chỉ định thầu cho liên doanh nhà đầu tư là Công ty Larkhall Holding và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát.

Vạn Thịnh Phát cũng được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn VIPD, đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trung tâm thương mại Vincom A và đổi tên thành Union Square.

Dự án Thuận Kiều Plaza được khoác lên mình áo mới và đổi tên thành Garden Mall sau khi về tay Vạn Thịnh Phát

Năm 2015 Công ty CP đầu tư An Đông - thành viên của Vạn Thịnh Phát mua lại cao ốc Thuận Kiều Plaza do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh đầu tư. Mặc dù nằm ở vị trí khá đắc địa, thuận lợi giao thông nhưng sau khi đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rơi vào tình trạng vắng vẻ, phần lớn căn hộ bị bỏ trống.

Ngay sau khi về tay tập đoàn bí ẩn này, dự án được khoác lên mình màu áo mới và thay đổi chủ yếu ở các tầng đế thương mại. Hiện nay dự án này đã có tên mới là Garden Mall.

Ra khỏi khu trung tâm, tại quận 7, TP.HCM, Vạn Thịnh Phát đã ký kết hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án "Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị" - Saigon Peninsula tại phường Phú Thuận. Dự án có quy mô 118ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dường như tên tuổi của Vạn Thịnh Phát luôn gắn liền với những dự án đình đám, tọa lạc ở những khu đất vàng hoặc có quy mô lớn.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.