CafeLand - Thị trường lao động đã thay đổi đáng kể do đại dịch, với hàng triệu công việc bị loại bỏ và nhiều công việc bị thay đổi hoàn toàn. Những công việc này có thể không bao giờ trở lại. Nhưng nhu cầu thay đổi và cách thức làm việc khác đi đã mở đường cho những cơ hội mới - và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra dự đoán của họ về những ngành tiềm năng.

Trong một báo cáo về lực lượng lao động, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company đã khảo sát 800 giám đốc điều hành trên toàn cầu về các vị trí mà họ dự định tăng tuyển dụng sau đại dịch. Mặc dù những người được hỏi thuộc nhiều ngành và ở tại chín quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh, các ưu tiên của họ đều giống nhau và bao gồm chăm sóc sức khỏe và an toàn, công nghệ, và các công việc làm từ xa.

Cơ hội việc làm ngày càng tăng

Kết quả cho thấy có tới 83% người sử dụng lao động cho biết họ có kế hoạch thuê thêm các vị trí về chăm sóc sức khỏe và an toàn trong những tháng tới do dịch bệnh bùng phát. Các vị trí hàng đầu trong đó bao gồm người theo dõi giãn cách hoặc vệ sinh tại chỗ (73%) và người vận hành các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an toàn cho lực lượng lao động (48%).

Tuy nhiên, đáng lưu ý báo cáo cho biết do đại dịch, ngày càng có nhiều vị trí như vậy đang được tự động hóa hoặc do rô-bốt thực hiện.

Ba lĩnh vực tăng cường tuyển dụng lao động bất chấp dịch bệnh

Trong khi đó, hơn 2/3 (68%) số người được hỏi cho biết họ dự kiến ​​sẽ thuê thêm các chuyên gia công nghệ và tự động hóa. Các lĩnh vực chuyên môn được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (35%), trải nghiệm khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số (26%), Internet vạn vật (24%) và các dịch vụ đám mây (19%).

Mức tăng này phản ánh quá trình số hóa doanh nghiệp nhanh chóng trong những tháng gần đây. Báo cáo cho thấy 85% công ty đã tăng tốc số hóa và 67% đẩy mạnh tự động hóa và AI do dịch bệnh.

Gần một nửa (45%) giám đốc điều hành cho biết họ dự đoán sẽ tăng việc tuyển dụng đối với các công việc liên quan tới học tập dựa vào các công cụ kỹ thuật số và các công việc làm từ xa. Cụ thể, các vị trí công việc ngày càng tăng liên quan đến làm việc từ xa (32%), học tập và đào tạo qua các công cụ kỹ thuật số (14%) và nhân sự tuyển dụng sử dụng công cụ kỹ thuật số và làm việc từ xa (13%).

Tăng cường sử dụng lực lượng freelancer

Theo báo cáo, bối cảnh việc làm thay đổi cũng có thể sẽ mở đường cho một lực lượng lao động linh hoạt hoặc tạm thời hơn, theo báo cáo, cho thấy nhu cầu về lao động hợp đồng hoặc lao động tự do tăng vọt.

Bảy trong số 10 (70%) giám đốc điều hành cho biết họ dự kiến ​​sẽ thuê thêm nhà thầu và công nhân tạm thời tại công trường trong vòng hai năm tới do hậu quả của đại dịch.

Báo cáo cho thấy, nhu cầu này đặc biệt xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực khách sạn và chăm sóc sức khỏe vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, vì “sự không chắc chắn về việc đại dịch sẽ diễn ra như thế nào và khi nào các nền kinh tế sẽ lấy lại động lực phát triển” khiến các công ty không muốn tuyển dụng nhân sự dài hạn.

Tuy nhiên, nhu cầu đó thấp hơn rõ ràng đối với các vị trí làm việc từ xa, chỉ ở mức 20%, cho thấy nhiều công việc tương tự đã được hoàn thành bởi lực lượng lao động hiện có.

Các vị trí làm việc từ xa tiếp tục tăng lên

Việc áp dụng rộng rãi hình thức làm việc từ xa cũng đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của các giám đốc điều hành. Trên toàn cầu, 15% giám đốc điều hành cho biết 1/10 lực lượng lao động của họ có thể làm việc từ xa từ hai ngày trở lên mỗi tuần trong tương lai - hơn hẳn mức trước đại dịch (8%).

Tuy nhiên, số lượng người sử dụng lao động sẵn sàng với thay đổi này lại khác nhau tại các quốc gia, cao hơn ở Anh và Đức (20%) và thấp hơn ở Trung Quốc (4%). Trong khi đó, việc mở rộng chính sách làm việc từ nhiều hơn hai ngày một tuần ít được các nhà tuyển dụng ưa chuộng, chỉ thu hút được 7%.

Tất nhiên, làm việc từ xa sẽ khả thi hơn đối với một số lĩnh vực. Đáng chú ý, phần lớn các công ty trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và bảo hiểm, chẳng hạn như Twitter và Morgan Stanley, đã áp dụng mô hình làm việc từ xa trong dài hạn hoặc kết hợp cả hai hình thức làm việc từ xa và tại văn phòng.

Báo cáo cho thấy hơn 60% người lao động trong nền kinh tế Hoa Kỳ không thể làm việc từ xa; “Ở các nước kém phát triển hơn về kinh tế, tỷ lệ người lao động không thể làm việc từ xa thậm chí còn cao hơn”.

Tuy nhiên, báo cáo đưa ra một lưu ý lạc quan, cho rằng những thay đổi tăng lên như trên có thể mở ra những điều mới mẻ lớn hơn trong lực lượng lao động trong tương lai.

“Đổi mới đã thúc đẩy những thay đổi có lợi cho người lao động và nhân loại nói chung trong lịch sử, và các xu hướng mới tại nơi làm việc hứa hẹn về năng suất cao hơn và thúc đẩy phúc lợi và sự hài lòng trong công việc rộng rãi hơn,” báo cáo viết.

“Bí quyết tồn tại trong tình trạng mới là cần giảm nguy cơ xảy ra các kết quả bất bình đẳng, đảm bảo các công ty thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi và chuẩn bị cho người lao động trước những sự thay đổi này”.

  • Bốn chiến lược đầu tư vào bất động sản thương mại

    Bốn chiến lược đầu tư vào bất động sản thương mại

    CafeLand - Khi đại dịch Covid bắt đầu giảm nhiệt, thị trường bất động sản thương mại (Commercial real estate -CRE) tại Mỹ đã sẵn sàng hoạt động trở lại và tận dụng lợi thế từ sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế. Tất nhiên có những lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn nặng nề như khách sạn, trung tâm mua sắm, căn hộ thành phố và cao ốc văn phòng.

Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.