Ngày 22-9, Ban đại diện cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (421 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7) có văn bản đề nghị chủ đầu tư - Công ty Đầu tư và phát triển nhà Quốc Cường - giải trình việc thu phí chung cư 6.000 đồng/m2, đồng thời cho rằng, cơ sở thu phí như trên là bất hợp lý khi nhiều khoản nhà đầu tư đưa ra như thuê bảo vệ, chăm sóc cây xanh… không sát thực tế. Ví dụ, thuê bảo vệ chỉ khoảng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng nhưng chủ đầu tư kê là 10.000.000 đồng/người/tháng. "Nhà đầu tư còn cho ngân hàng treo bảng quảng cáo phía ngoài tòa nhà. Các khu cầu thang máy cũng vậy. Chúng tôi cho rằng, vị trí này là tài sản chung, nhưng không rõ khoản thu từ đây có dùng để phục vụ người dân hay không?" - bà Dương Thu Hồng, chủ căn hộ A302 cho biết.
|
Tìm phương án về giá trần phí chung cư tại TP Hồ Chí Minh dường như vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. |
Sự việc trên chỉ là một trong nhiều mâu
thuẫn giữa người dân và nhà đầu tư tại các khu chung cư trên địa bàn TP.
Thường thì tùy từng chủ đầu tư mà phí chung cư có mức khác nhau. Khu đô
thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) có mức thu phổ biến là 3.500 đồng/m2, chung cư
Hoàng Anh Gia Lai (quận 7) thu 3.000 đồng/m2, tòa nhà Tản Đà Court
(quận 5) thu 8.600 đồng/m2, chung cư Mỹ Phước (quận Bình Thạnh) thu
khoảng 2.000 đồng/m2, chung cư Sacomreal (quận Tân Phú) khoảng 2.700
đồng/m2. Các khoản thu phổ biến là trông giữ xe, thang máy, vệ sinh,
điện chiếu sáng khu sinh hoạt chung, chăm sóc hoa, cây xanh...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, với lý do "lạm phát" nên phí chung cư ở
nhiều nơi không ngừng tăng. Điểm chung dễ nhận thấy là nhà đầu tư thường
đưa người dân vào "sự đã rồi" khi mức phí họ đưa ra chỉ có tính thông
báo, người dân ít có điều kiện thương lượng. Tại chung cư Quốc Cường Gia
Lai 1, ngày 22-9, nhà đầu tư thông báo: hết ngày 30-9, nếu hơn 50% số
cư dân không phản đối mức phí 6.000 đồng/m2 thì thông báo đó được chấp
nhận. Trong khi nhà đầu tư nói thông báo được gửi cho tất cả các chủ hộ
và mới dừng ở mức phí dự thu, thì nhiều hộ dân cho biết, họ không hề
nhận được thông tin trên.
Cần một căn cứ pháp lý
Được biết, thay vì để người dân thuê đơn vị quản lý độc lập theo đúng
quy định, nhiều chủ đầu tư đã thành lập công ty con để quản lý, nhằm
kiểm soát số tiền bảo trì, bảo dưỡng chiếm 2% tổng giá trị căn hộ. Với
những dự án lớn, nguồn quỹ này không nhỏ, thế nhưng chúng được dùng vào
nhiều mục đích trong khi thông tin đến người dân thiếu minh bạch. Điều
đó giải thích vì sao các công ty quản lý thường được chủ đầu tư kiểm
soát chặt mà không chịu "nhả" cho ban quản trị tòa nhà. Đó là chưa kể
đến hiện tượng ở nhiều chung cư, thay vì trích số tiền 2% để sử dụng,
nhiều chủ đầu tư còn bắt dân đóng góp thêm.
Có thực tế là số chung cư tại TP Hồ Chí Minh đang như "nấm mọc sau mưa",
nhưng TP vẫn chưa chính thức có văn bản quy định về khung giá phí chung
cư, do đó giá thu phí đều mang tính tự phát.
Cách đây gần 2 năm, căn cứ vào Thông tư 37/2009/TT-BXD ngày 1-12-2009
của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý phí chung cư,
Sở Xây dựng đã đề xuất dự thảo mức thu phí chung cư trên địa bàn để
trình UBND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, chung cư hạng 1, 2, 3, 4 lần lượt có
mức thu 8.000, 7.000, 6.000, 5.000 đồng/m2/tháng. Nhà công vụ, nhà ở xã
hội, chung cư xây dựng trước ngày 1-7-1991, tối đa là 1.000
đồng/m2/tháng. Diện tích sử dụng kinh doanh được tính hệ số 1,2. Theo
phân tích của Sở Xây dựng, mức phí chung cư chỉ khoảng 1% mức thu nhập
bình quân của hộ chuẩn nghèo là chấp nhận được. Tuy nhiên, sau nhiều lần
tham khảo lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân thì mức dự thu trên chưa
được chấp thuận.
Vẫn biết, văn bản pháp luật thường "đi sau" thực tiễn. Tuy nhiên, việc
gần 2 năm mà chưa có một căn cứ pháp lý, dẫn đến "điệp khúc" người dân
bức xúc vì "bị doanh nghiệp ép", trong khi doanh nghiệp kêu "thu không
bù chi" là điều đáng tiếc. Chính vì vậy, dư luận và người dân TP đang
chờ đợi câu trả lời của các nhà quản lý.