16/07/2019 7:11 AM
CafeLand - Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhiều công trường xây dựng, tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ) luôn là nỗi lo thường trực của công nhân cũng như cơ quan chức năng.

Trên 50% tai nạn tử vong trên công trình xây dựng

Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 3.988 vụ tai nạn lao động làm 4.102 người bị nạn. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 22% tổng số vụ tai nạn và chiếm khoảng 20% tổng số người chết. Số lượng các vụ do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm khoảng 24% tổng số vụ.

Đặc biệt, trong tổng số 62/63 địa phương đã có báo cáo thì Hà Nội có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất, với 11 vụ làm 11 người chết và đa phần đều trong lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc mất an toàn trong vận hành cẩu tháp hay những thiết bị tại những công trình xây dựng lớn.

Điển hình là sự việc đứt cẩu tháp làm sập nhà điều hành tại dự án The Sun Mễ Trì (Hà Nội) ngày 20/8/2018 vừa qua.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều công nhân, nhân viên cũng như người đi đường một phen hốt hoảng.

Ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường tại Hà Nội cho thấy, có nhiều công trình nhà cao tầng, công trình giao thông mặc dù trong giờ cao điểm nhưng vẫn thản nhiên thi công, gây nên những sự cố, đe doạ tính mạng của những người qua lại.

Hiện trường vụ thanh sắt rơi trên đường Lê Văn Lương tối 27/9/2018.

Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra vào tối 27/9/2018 tại công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư. Theo đó, khi người dân đang di chuyển qua đoạn đường có công trình này thì một thanh sắt rơi xuống khiến một người tử vong, một người bị thương.

Trước đó, ngày 17/1/2018, một vụ tai nạn lao động sập giàn giáo trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm cũng đã làm ba người chết và ba người bị thương.

Theo ông Phan Văn Mậu, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hiện tỷ lệ mất ATLĐ nhiều nhất vẫn là ngã cao. Trên 50% các tai nạn tử vong chủ yếu trên công trình xây dựng. Tai nạn do hàn hơi, hàn điện, điện công trường; các thiết bị nghiêm ngặt như bình hàn, khí nén; nguy cơ vật rơi… đang diễn ra hết sức phức tạp.

Đánh giá về thực trạng này, ông Tạ Văn Dưỡng (Trưởng ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động Hà Nội), cho rằng Hà Nội đang ở tốc độ đô thị hoá cao, tốc độ xây dựng nhiều. Trước đây xây dựng nhà 2-3 tầng thì nguy cơ thấp, nhưng nay xây dựng những nhà 40-60 tầng thì rõ ràng nguy cơ ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân từ nhiều lỗ hổng

Để xảy ra tình trạng mất ATLĐ tại các công trình xây dựng, ông Dưỡng cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, các biện pháp triển khai tại công trình chưa triệt để, thậm chí nhiều nơi không tuân thủ theo đúng quy chuẩn mà Nhà nước đã ban hành, hoặc mang tính đối phó. Ví dụ, theo quy định các hệ thống lan can che chắn ở các sàn phòng sự cố tai nạn ngã cao phải là hệ thống lan can cứng, cao 1m và có 2 thanh ngang. Thế nhưng bằng cách nào đó đã bị các công trình “hô biến” thành lan can mềm mang tính cảnh báo chứ không có hiệu quả phòng ngừa.

Bên cạnh đó, công tác tác đào tạo ATLĐ tại các công trình xây dựng đang có vấn đề, kể cả nội dung và thời gian huấn luyện không đảm bảo. Nhiều trường hợp được phát hiện không được học, không được huấn luyện nhưng vẫn được cấp thẻ ATLĐ.

“Có những công trình tổ chức tập huấn ATLĐ, số thực tế tham gia chỉ 50 người, còn lại được cấp thẻ ATLĐ. Rõ ràng đây là điều nguy hiểm trong công tác ATLĐ”, ông Dưỡng cho biết.

Ngoài ra, việc kiểm soát sức khoẻ cho người lao động hiện cũng chưa được chú trọng. Ông Dưỡng phân tích, xây dựng là lĩnh vực có nguy cơ mất an toàn cao và đảm bảo người lao động đáp ứng đủ các tiêu chí về sức khoẻ. Nếu sức khoẻ không tốt mà lên các công trình xây dựng thì đây là yếu tố trực tiếp gây các sự cố nguy cơ về mất ATLĐ.

Tình trạng mất ATLĐ còn những bất cập mà nguyên nhân đến từ khâu quản lý. Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, nhiều công trình hiện nay không khám sức khoẻ khi tuyển dụng và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Đặc biệt có những công trình 100% công nhân giấy khám sức khoẻ là mua.

Theo ông Mậu, tình trạng mất ATLĐ mặc dù đã được cải thiện trong vài năm nay, nhưng thực tế vẫn còn những bất cập mà nguyên nhân đến từ khâu quản lý.

Thanh tra chỉ còn làm các việc thụ động như điều tra các vụ tai nạn chứ không có quỹ thời gian trong kế hoạch thanh tra các công trình xây dựng, trừ những vụ đột xuất.

Một nguyên nhân quan trọng là các nhà tư vấn giám sát còn non yếu về tư vấn giám sát an toàn. Họ chỉ giám sát chất lượng, tiến độ, riêng giám sát an toàn thì chỉ theo các biện pháp an toàn đã được phê duyệt.

“Tôi ít khi thấy công trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn lao động. Từ máy cẩu tháp, điện, quản lý hệ thống máy dụng cụ cầm tay… Tóm lại, các nhà tư vấn giám sát trên công trường xây dựng không dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không bám sát các tiêu chuẩn về ATLĐ cho nên đã để ra một khoảng trống”, ông Mậu đánh giá.

Nâng chế tài xử phạt

Bàn về biện pháp tháo gỡ những yếu tố nguy hiểm trên các công trường xây dựng, ông Dưỡng cho rằng phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư vào tư vấn giám sát. Chủ đầu tư và tư vấn giám sát là người có quyền yêu cầu nhà thầu một cách cao nhất. Tuy nhiên, trên thực tế chủ đầu tư và tư vấn giám sát chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Đối với chính sách bồi thường về ATLĐ, ông Dưỡng cho rằng còn quá nhẹ.

“Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho một vụ chết người. Đó chỉ là bồi thường 30 tháng tiền lương. Tại sao chế tài không phải là 300 tháng tiền lương, tương đường 1 – 2 tỉ đồng? Nếu một doanh nghiệp phải bồi thường mức đó, chắc chắc phải có nhận thức khác. Hiện chính sách bồi thường này nhiều nước đang áp dụng, không dám để xảy ra ATLĐ. Nếu để xảy ra thậm chí doanh nghiệp bị phá sản. Như vậy biện pháp này mới hữu hiệu, còn nếu để mức bồi thường thấp quá dễ dẫn đến nhờn luật”, ông Dưỡng đề xuất.

Trong khi đó, theo ông Mậu, phải mua bảo hiểm lao động cho người lao động có thời vụ. Tuy nhiên, những công nhân trên công trường làm móng nhà 2 - 3 tháng xong về quê làm ruộng, nếu các nhà thầu từ chối thì việc mua bảo hiểm cho người lao động thời vụ là rất khó thực hiện.

Điều cốt lõi vẫn là nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ công trình xây dựng về những vấn đề đào tạo, tuyên truyền nhận thưc cho người lao động, thắt chặt các biện pháp an toàn; nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như chất lượng quản lý nhà nước.

“Thanh tra nhiều không phải là tốt, nhưng thanh tra rồi thì xử lý như thế nào để tránh trường hợp nhờn luật, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Nhiều quận trong nhiều năm không xử lý được hợp nào trong khi đó vi phạm tràn lan”, ông Mậu nói.

Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.