04/08/2012 9:48 AM
Trong khi trần lãi suất huy động chỉ 9%/năm thì 50% dư nợ tại hầu hết các ngân hàng đều có lãi suất từ 15% trở lên. Nhưng nhiều đơn vị vẫn than chênh lệch 6% không nhằm nhò gì với hàng tá chi phí mà ngân hàng đang gánh.

Đến nay, toàn hệ thống mới chỉ có khoảng 50% các khoản nợ cũ được đưa lãi suất về dưới 15%, số còn lại vẫn 18, 19 và 20%/năm. Nhưng một số ngân hàng (NH) vẫn giở “chiêu” để “ăn” cả lãi suất huy động.

“Chặn” cả hai đầu

Chị Khánh, một khách hàng của NH T., chi nhánh Tân Bình (TP HCM), bức xúc: “Tôi gửi tiết kiệm thường, kỳ hạn 1 tháng từ tháng 1/2012, khi đó lãi suất huy động là 14%, đến nay đã được hơn 6 tháng. Trong sổ tiết kiệm ghi rõ, nếu không đến tất toán, NH sẽ tái tục kỳ hạn cũ. Đến 1/8, tôi đi rút tiết kiệm thì mỗi tháng NH trừ của tôi 0,6% - 0,7% lãi suất”. Nhìn vào phần xác nhận mà NH này gửi, chỉ có tháng đầu tiên (tháng 1), khách hàng được hưởng đúng “trần” 14%/năm, còn từ tháng 2 - tháng 6, lãi suất lần lượt là 13,93%, 12,94%, 11,94%, 11,94% và 8,94%/năm. “Hồi đó, NH có tiết kiệm dự thưởng nhưng tôi không gửi mà gửi tiết kiệm thường để được hưởng nguyên trần lãi suất huy động. Vậy mà NH tùy tiện trừ phần lãi suất mà tôi đáng được nhận!”. Khi chị Khánh nêu thắc mắc này thì được giải thích: “Cái này là trên hệ thống tự cập nhật. Nếu muốn hưởng nguyên lãi suất thì phải đến gửi lại”. Kết cục là chị Khánh đã bị NH “ăn chặn” lãi suất tiền gửi từ 0,6% - 0,7%/năm.

Dù đã hưởng chênh lệch 6%, nhưng nhiều NH vẫn cố bớt xén đầu lãi của khách hàng. Ảnh minh họa.


Không riêng NH T. có kiểu “ăn chặn” này, Đất Việt cũng ghi nhận một số trường hợp tương tự ở NH H., A., V. Bà Ngọc, một khách hàng của phòng giao dịch NH A. (Q.Phú Nhuận), cũng tức tưởi: “Tôi gửi tiết kiệm, đã đến hạn rồi nhưng vẫn bị trừ mất mấy ngày không tính lãi suất vì… trùng vào ngày nghỉ của NH. Không biết nói sao với cái kiểu tính lãi suất ngược đời như thế này!”.

Đối với khách hàng đi vay, hiện nay hàng loạt NH đều nâng lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng lên cao, từ 10,5% – 11%/năm. Tại các NH như ACB, Vietcombank, Eximbank, Techcombank… lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng đều chạm mức 11%/năm. Việc nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao với nhiều NH còn là để “neo” lãi suất cho vay ở mức cao. Chị Minh, khách hàng của NH C. nói: “NH này vẫn không giảm lãi suất và giải thích rằng, lãi suất cho vay của tôi sẽ bằng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 8%/năm. Vì thế, lãi suất vay của tôi vẫn là 19%/năm.” Không chỉ vậy, nhiều NH còn yêu cầu tài khoản vay lúc nào cũng có số dư từ 500.000 đồng trở lên, nếu không sẽ thu phí, mỗi tháng từ 10.000 – 50.000 đồng. Nhưng ngược lại, nếu duy trì mức tiền này trong tài khoản, người vay không hề được tính lãi suất. Với cách làm này, thực tế, một số NH đang tìm mọi cách để “ăn” được càng nhiều càng tốt, cả từ người gửi và người vay tiền.

Lấy ngắn nuôi dài

Tuy làm mọi cách để tăng lợi nhuận, nhưng hàng loạt NH vẫn cảm thấy “ấm ức” khi phải đưa lãi suất nợ cũ về dưới 15%, cho vay ra dưới 15%/năm hiện nay, và cho rằng chênh lệch 6%/năm giữa huy động và cho vay đang khiến họ khó khăn. Tổng giám đốc một NH thanh minh: “Nhiều người tưởng NH huy động 9%, cho vay 15%/năm, chênh lệch được 6%/năm là nhiều lắm. Nhưng không ai biết trong 6%/năm đó, chúng tôi phải bỏ vào dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, chi phí thuê nhà, khấu hao điện nước… Nếu tính kỹ, thì 6% này còn bao nhiêu?”. Khác với lập luận này, TS. Vũ Thành Tự Anh, chương trình kinh tế Fullbirght, cho biết chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay 3%/năm đã là “mức đỉnh” của hàng loạt nền kinh tế trên thế giới. Và theo ông, mức này đã khiến các NH thu được lợi nhuận tối đa nếu có quy trình quản lý, đầu tư chuẩn.

Vậy, vì sao NH vẫn chê 6% chênh lệch lãi suất là ít và tìm mọi lý do để nới rộng con số này? Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận: “Việc NH nâng lãi suất cho vay dài hạn lên cao và không chịu rút xuống là phi lý. Vì, trên nguyên tắc cho vay trung, dài hạn, NH đã phải có nguồn vốn dài hạn và đã tiên liệu được trước lãi suất của khoản vay đó. Nên, nếu có điều chỉnh lãi suất cũng chỉ là điều chỉnh một ít, không thể điều chỉnh quá nhiều”.

Cũng theo ông này, những khoản vay từ 2009, 2010 với lãi suất chỉ 13,5%, 14%/năm, trong thời điểm hiện nay NH không thể bắt khách hàng chịu mức 19, 20%/năm. “NH đã lấy huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn và luôn bắt khách hàng phải gánh chịu những khoản chênh lệch do nghiệp vụ kinh doanh liều lĩnh của mình gây ra. Đó là lý do vì sao nhiều NH vẫn không thể giảm thêm lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm, dù huy động đã về 9%/năm cách đây 2 tháng”, vị này phân tích. Ngoài ra, nhiều NH còn thua lỗ do đầu tư vào các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, bộ máy cồng kềnh… “Những thứ này đều dồn lên chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay, dồn lên giá vốn của NH. Kết quả là NH bắt khách hàng chịu, bắt lãi suất cho vay ra phải cao… mới đủ trang trải”.

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.