Ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính
cho rằng, chỗ nào đất đẹp nhất, đắc địa nhất đều của cơ quan hành chính,
nhà nước, tập đoàn, TCty nhà nước. Vì thực tế cho thấy, một số bộ,
ngành, địa phương, tập đoàn, TCty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến
việc sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng và việc khai thác, quản lý có hiệu
quả nguồn lực tài sản là nhà, đất nói chung.
Nguyên nhân của tình trạng này là khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị
trường, việc chuyển đổi công năng tài sản trên đất không theo kịp chức
năng nhiệm vụ. Một nguyên nhân khác là mục tiêu hình thành nên các tập
đoàn, TCty nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần định
hướng các “ông lớn” chú tâm vào lĩnh vực BĐS do địa tô chênh lệch lớn.
Đây cũng là một trong những lý do khiến một số tập đoàn TCty sao
nhãng nhiệm vụ chính, giá trị cốt lõi của DN, vừa tạo ra sự phát triển
quá nóng cho thị trường BĐS. Đến nay, khi chính sách thu tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất đã có sự thay đổi, quan hệ cung cầu trên thị trường
BĐS thay đổi thì sẽ có thể dẫn đến sự đổ vỡ, gây ra những hậu quả nghiêm
trọng.
Bộ Tài chính cho biết, đến nay cơ quan này đã phê duyệt phương án 233 mặt bằng, trong đó số mặt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 30%; chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%; bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2%, số còn lại là nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà, đất thành phố để quản lý và xử lý.
Theo số liệu từ Cục Công sản, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất lớn, khoảng 1,5 tỉ m2. Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỉ m2 bằng khoảng 80% diện tích. Hiện tại, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai. Cơ chế cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, sản xuất kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết chưa đủ mạnh. Mặt khác, một số quy định trong cơ chế này mang tính “lưỡng tính”.
Chẳng hạn, quy định một tài sản nhà, đất có thể sử dụng vào nhiều mục
đích vừa cung cấp dịch vụ công cho nhà nước, vừa cho thuê, vừa kinh
doanh dịch vụ. Đối với phần cung cấp dịch vụ công cho nhà nước thì không
trích khấu hao, không phải trả tiền thuê đất; nhưng đối với phần kinh
doanh, dịch vụ, cho thuê, thì phải tính khấu hao và trả tiền thuê đất.
Do đó, rất khó xác định, hạch toán và thực hiện trong trường hợp này.
Thiết nghĩ, trong bất kỳ thời điểm nào vẫn phải tiết kiệm đất là hàng đầu, vì đất không sinh ra.