Chủ tịch Đỗ Anh Dũng vui vẻ sau khi trúng đấu giá lô đất 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
Chỉ trong vòng một tháng, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng cùng cái tên Tân Hoàng Minh trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý không riêng gì lĩnh vực bất động sản. Đầu tháng 12/2021, doanh nghiệp con của Tân Hoàng Minh tạo ra cú sốc choáng váng khi quyết định bỏ ra cái giá gần 2,5 tỉ đồng/m2 để dành lấy Lô đất 3-12 có diện tích hơn 10.000m2 tại Khu đô thị Thủ Thiêm (tổng giá trị đấu giá là 24.500 tỉ đồng).
Ngay sau phiên đấu giá lịch sử này, nhiều đồn đoán, tâm lý trái ngược xuất hiện trên thị trường. Một số ý kiến ủng hộ cuộc đấu giá vì nó được tổ chức một cách công khai minh bạch, Nhà nước sẽ được lợi lớn khi thu về cho ngân sách số tiền tương đương 1 tỉ USD.
Nhiều ý kiến khác lại quan ngại vì mức giá mà Tân Hoàng Minh bỏ ra là không tưởng, thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế vào cuộc phân tích xem doanh nghiệp này phải xây ra những sản phẩm căn hộ như thế nào để có thể thu lời. Theo đó, giá bán của dự án phải lên đến 500 – 700 triệu đồng/m2 thì may ra. Nếu vậy mức giá này cũng tạo nên cột mốc mới cho cả khu vực, bởi hiện nay giá bán căn hộ tại Thủ Thiêm cao nhất cũng chỉ từ 250 – 300 triệu đồng/m2.
Một số khác lại cho rằng, Tân Hoàng Minh có tính toán và họ chấp nhận bỏ mức giá cao kỉ lục là để dành cho tầm nhìn nhiều năm sau. Có người lấy ví dụ những căn hộ lên đến hơn chục triệu đô tại Hongkong hay căn hộ đắt giá cùng khu vực ở Singapore, Mã Lai…để so sánh với Thủ Thiêm rồi cho rằng mức giá mà Tân Hoàng Minh bỏ ra là có cơ sở.
Tuy nhiên, cũng có rất đông ý kiến thẳng thắn cho rằng mức giá mà Tân Hoàng Minh bỏ ra là có “vấn đề” hoặc bất thường. Nhất là khi nhìn vào lịch sử, doanh nghiệp này từng có cú “quay xe” đình đám với khu đất vàng số 23 Lê Duẩn, quận 1. Vào thời điểm đó, sau khi bỏ ra số tiền cao nhất để dành lấy khu đất, chủ tịch Đỗ Anh Dũng còn lên mặt báo than thở bị mua “hớ”. Thậm chí là đòi trả lại khu đất. Phải sau nhiều lần kì kèo thì cuối cùng Tân Hoàng Minh mới ôm lấy đất vàng. Tuy nhiên, hiện khu đất cũng không còn của Tân Hoàng Minh mà đã về tay một ngân hàng dùng để xây trụ sở.
Sự bất thường của cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm cũng làm nóng nghị trường. Rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại sau cuộc đấu giá này. Đỉnh điểm, phát biểu tại Quốc hội ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỉ đồng một m2 là bất thường".
Câu nói này của Bộ trưởng Phớc cũng trở thành một trong những nguyên nhân chính mà Chủ tịch Đỗ Anh Dũng bày ra trong tâm thư xin bỏ cọc đấu giá đất xuất hiện ngày 11/1. Cụ thể, trong tâm thư của ông Dũng có đoạn: "Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ đẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung".
Ai được, ai mất?
Như vậy chỉ sau một tháng từ lúc trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đến khi bỏ cọc, Tân Hoàng Minh đi theo một kịch bản mà rất nhiều người ít nhiều đã đoán định trước. Việc bỏ cọc này sẽ khiến Tân Hoàng Minh sẽ mất khoản tiền gần 600 tỉ đồng. Và doanh nghiệp này dường như cũng đã sẵn sàng bởi trong tâm thư ông Dũng cho biết chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh mất tiền, Tân Hoàng Minh còn tự bổ sung thêm một “vết gợn” trong hồ sơ của doanh nghiệp mình. Uy tín, danh dự và niềm tin của tập đoàn này là những mất mát vô hình so với con số 600 tỉ đồng bị mất đi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng,Tân Hoàng Minh được hay mất sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm chắc chỉ có ông Đỗ Anh Dũng là người nắm rõ.
Thị trường bất động sản có thể chịu nhiều hệ luỵ sau cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm
Đối với thị trường bất động sản, việc đấu giá và bỏ cọc của Tân Hoàng Minh có thể để lại những tổn hại khó đong đếm. Chính ông Dũng cũng thừa nhận, kết quả đấu giá hơn 2,4 tỉ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.
Theo một chuyên gia bất động sản, ngay sau khi Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất kỉ lục ở Thủ Thiêm thì mức giá đất quanh khu vực, thậm chí là cả thành phố Thủ Đức đã có sự tăng lên đáng kể bởi hiệu ứng. Việc doanh nghiệp này đã bỏ cọc phần nào cho thấy mức giá trên chưa tương xứng nhưng nó vẫn gây ám ảnh cho cả thị trường.
Ngoài ra, cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm được tổ chức bài bản, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thì việc như kiểu của Tân Hoàng Minh sẽ gây ức chế, cuối cùng là khiến cuộc đấu giá mất đi hiệu quả.
Thực tế, nếu Tân Hoàng Minh không để giá không tưởng thì có nhiều doanh nghiệp thực tâm muốn khu đất để đầu tư dự án. Nếu phải đấu giá lại thì không chỉ mất thời gian, công sức, tiền của mà cái khó thay đổi là một tâm lý đã bị ảnh hưởng của các doanh nghiệp. Mức giá khu đất như thế nào sẽ hợp lý càng khó xác định hơn.
Nhìn vào xa hơn thì những cuộc đấu giá rồi bỏ cọc như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và hoàn thành của một đô thị đặc biệt như Thủ Thiêm. “Nếu doanh nghiệp cứ đấu giá rồi bỏ cọc như vậy thì đến khi nào Thủ Thiêm mới hết cảnh đất tỉ USD nhưng chỉ để đầm lầy cho trâu bò tắm, cỏ mọc um tùm như hiện nay”, vị này cho biết.
-
Tân Hoàng Minh tính làm gì sau khi tạo cú sốc "2,4 tỉ đồng/m2" ở Thủ Thiêm?
Tân Hoàng Minh vừa gây chú ý cả thị trường bất động sản khi chi ra hơn 1 tỉ USD để sở hữu lô đất vàng hơn 10.000m2 tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Nhiều người đang thắc mắc, không hiểu tập đoàn của doanh nhân Đỗ Anh Dũng sẽ làm gì với khu đất có giá lên đến hơn 2,4 tỉ đồng/m2.
-
Metro số 1 đạt kết quả tích cực, TP.HCM lên kế hoạch khởi công nhiều tuyến metro cùng lúc
Mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tiết lộ kế hoạch khởi công đồng loạt nhiều tuyến metro tại TP.HCM. Đây là một phần trong chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng và thúc đẩy phát triể...
-
Hôm nay (23/1) sẽ thông xe tạm hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ngày 23/1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ chính thức thông xe tạm hai đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....