Hiện trường công trình xây dựng tuyến nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đã bị ngưng thi công từ lâu. Ảnh Hồng Lĩnh.
Hành trình giao dự án cho công ty của Út trọc
Ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản (số 591/TTg-KTNN) đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP HCM thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (giai đoạn 1). Cũng ngay trong ngày 27/4/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM có văn bản (số 3600/SKHĐT-PPP) trình UBND TP HCM.
Ngày 4/5/2015, UBND TP HCM có công văn (số 2349/UBND-QLDA) chấp thuận chỉ định Công ty Yên Khánh (Công ty này do ông Định Ngọc Hệ hay còn gọi là “ Út trọc” làm Chủ tịch HĐQT) là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương theo hình thức BOT.
Để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Giao Thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo đúng qui định; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện hoàn tất các thủ tục chỉ định nhà đầu tư dự án theo qui định hiện hành. UBND TP HCM ủy quyền cho Giám đốc Sở GTVT TPHCM chịu trách nhiệm phê duyệt các thủ tục trong quá trình chỉ định nhà đầu tư theo đúng qui định.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TPHCM, Sở GTVT TP HCM thành lập hội đồng thẩm định và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư và chỉ định thầu.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM làm Chủ tịch hội đồng thẩm định nhà đầu tư và chỉ định thầu (ông Cường hiện đang giữ chức Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM).
Ngày 15/10/2015, ông Bùi Xuân Cường ký quyết định (số 4643/QĐ-SGTVT) duyệt hồ sơ yêu cầu dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT.
Chỉ 8 ngày sau, ngày 23/10/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định (5386/QĐ-UBND) phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT (ông Tín hiện đã bị Toà án Nhân dân TP HCM tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án sai phạm giao đất cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT vào cuối năm 2019).
Tại điều 2 của quyết định, UBND TP HCM giao cho Sở GTVT chịu trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo đúng qui định; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư được chi định hoàn chỉnh dự thảo, đàm phán hợp đồng BOT dự án phải đảm bảo tuân thủ theo qui định hiện hành.
Tiếp đến, ngày 25/6/2016, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đại diện UBND TP HCM ký kết hợp đồng BOT (số 3233/HĐ.BOT-UBND) với chủ đầu tư dự án là Công ty Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc làm đại diện (bà Hoan hiện đã bị Tòa án Quân sự tuyên 7 năm tù vì tội danh lừa đảo trong vụ án sai phạm đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).
Theo đó, dự án thực hiện xây dựng dài 2,7 km (lộ giới 60m), bao gồm xây dựng đường đô thị với 2 nút giao khác mức hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến. Thời gian thực hiện từ năm 2015 -2017. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.557.518 triệu đồng (Trong đó gồm các chi phí: Xây dựng 1.117.572 triệu đồng; thiết bị 26.027 triệu đồng; quản lý dự án 10.916 triệu đồng; tư vấn đầu tư xây dựng 42.313 triệu đồng; chi phí khác 101.104 triệu đồng; chi phí dự phòng 259.586 triệu đồng).
Nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, thời gian thi công dự kiến 20 tháng kể từ ngày khởi công công trình. Thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư công trình dự án khoảng 17 năm 8 tháng.
Năm 2016, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương khởi công xây dựng rầm rộ, thời gian thực hiện thi công là 20 tháng tính từ ngày khởi công. Thế nhưng đến tháng 6/2018, Công ty Yên Khánh ngừng thi công dự án.
Từ tháng 7/2018 đến nay, Sở GTVT TP HCM đã nhiều lần có văn bản đôn đốc gửi Công ty Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM-Trung Lương nhắc nhỡ nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng đâu lại vào đấy. Công trình trọng điểm này rơi vào cảnh “đắp chiếu phơi sương”.
Lộ diện tình trạng “tay không làm dự án”
Gần đây, ngày 7/4/2020, Sở GTVT TPHCM tiếp tục có văn bản (số 4126/SGTVT-KH) yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện đúng hợp đồng BOT đã ký kết với Sở GTVT TP HCM. Sở GTVT TP HCM nêu: “Nhà đầu tư Công ty Yên Khánh và doanh nghiệp dự án - Công ty BOT TP HCM-Trung Lương đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đối với phần việc liên quan đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán từng hạng mục công trình; đối với phần việc chứng minh nguồn tài chính để thực hiện các hạng mục khối lượng đã giao mặt bằng và cam kết bên vay đối với khối lượng trong phạm vi mặt bằng dự kiến bàn giao để hoàn thành toàn bộ dự án, nhà đầu tư Công ty Yên Khánh và doanh nghiệp dự án Công ty BOT TP HCM-Trung Lương cũng không cung cấp được hồ sơ tài liệu đúng yêu cầu, đảm bảo thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo đúng qui định.”.
Thực tế nhà đầu tư đã được bàn giao 82% mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay sản lượng xây lắp chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng/ 1.143,6 tỷ đồng (chi phí xây lắp và chi phí thiết bị), tương đương 12%.
Kết quả kiểm tra tại công trường ngày 10/9/2019, gồm Sở GTVT; UBND huyện Bình Chánh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Bình Chánh; Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Giao thông Thành phố; Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM, cho thấy công trình đã bị ngưng thi công hoàn toàn, không có thiết bị xe máy, nhân công hoạt động xây dựng. Sở GTVT TP HCM cũng yêu cầu Công ty Yên Khánh và doanh nghiệp dự án – Công ty BOT TP HCM – Trung Lương khắc phục trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản này.
Thế nhưng, đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ ngày Sở GTVT TP HCM ra “tối hậu thư”, ngày 12/8/2020, theo ghi nhận của phóng viên, công trình vẫn “đắp chiếu”. Người dân rất bức xúc vì tuyến đường này thường xảy ra kẹt xe, đường kết nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM-Trung Lương không biết đến năm nào sẽ được đưa vào sử dụng.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao một dự án hàng ngàn tỷ đồng vẫn được Hội đồng thẩm định dự án xây dựng đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương tham mưu cho UBND TP HCM chỉ định nhà đầu tư Công ty Yên Khánh của “Út trọc” thực hiện theo kiểu “tay không bắt giặc”?
-
24.400 tỉ đồng đầu tư hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An
CafeLand – Tuyến đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc hay đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc)… là 3 trong số 7 dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM – Long An sẽ được đầu tư, mở rộng trong thời gian sắp tới.