Theo Agribank, đến 31/10/2018, lãi trước thuế của ngân hàng ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017 và cao hơn hẳn lãi trước thuế cả năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận ở mức 1,98%. Thu dịch vụ tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong thời gian gần đây, vấn đề cổ phần hoá Agribank nhận được sự quan tâm lớn từ phía Chính phủ và người dân. Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2018 (diễn ra ngày 8/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, "Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và Vietcombank đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư”.
Ngay sau đó, phát biểu tham luận tại Hội nghị Sơ kết sau một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ – TTg (ngày 28/8), Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết bản thân nhà băng này đã thực hiện các công tác chuẩn bị để có thể triển khai cổ phần hóa nhanh ngay sau khi phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng thừa nhận ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Dự kiến, phương án cổ phần hóa sẽ được phê duyệt vào ngày 1/10/2018. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp sẽ là 31/12/2018. Với các mốc thời gian như trên, ông Khánh cho rằng nhanh nhất đến năm 2020 mới có thể IPO.
2018 là năm thứ ba Agribank triển khai Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, gắn liền với tái cơ cấu giai đoạn 2.
Agribank cho biết, song hành với mục tiêu xử lý nợ xấu, Agribank tập trung thoái vốn đầu tư ngoại ngành. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng đã thoái vốn thành công tại 07 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về trên 1.000 tỷ đồng; chủ động triển khai các thủ tục phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II (ALCII). Kế hoạch trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.