Dưới đây là lược dịch một số nhận định và quan điểm của AFP về thị trường bất động sản Việt Nam:
Sau 4 năm bùng phát mạnh mẽ, thị trường bất động sản tại Việt Nam đột nhiên đóng băng khiến các nhà đầu tư lao đao. Những căn hộ chung cư cao cấp, những khu biệt thự liền kề, những mảnh đất từ gần đến xa khu trung tâm… từng tăng giá theo ngày bỗng chốc lâm vào tình trạng ế ẩm.
Lạm phát
cũng như lãi suất ở mức cao buộc chính phủ phải thắt chặt tín dụng,
khiến các chủ đầu tư phải hạ giá kèm theo nhiều ưu đãi khác để hấp dẫn
người mua. Trong khi đó, tình trạng ế ẩm tạo thuận lợi cho các công ty
thuê văn phòng vì giá rẻ, đồng thời có nhiều chọn lựa. Ông
Brad Gee, giám đốc quản lí tòa tháp tài chính 68 tầng Bitexco ở Thành
phố Hồ Chí Minh - một trong 10 tòa nhà được nhận định là ấn tượng nhất
thế giới cho biết: “Thị trường đang vô cùng khó khăn”. Theo đó, giá thuê
văn phòng tại tòa nhà Bitexco được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam
đã giảm xuống một nửa, còn khoảng 50 USD/m2/tháng so với thời điểm giá
cao nhất năm 2007-2008. Đối với những công trình
được đưa ra thị trường đúng thời điểm suy thoái, các nhà đầu tư buộc
phải đưa ra mức giá thấp, ưu đãi tài chính hoặc thậm chí là trang bị cả
đồ nội thất nhằm tăng tính cạnh tranh đối với nhu cầu mua nhà đang giảm
dần hiện nay.
Nhiều tòa nhà sắp sửa được hoàn thiện trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng.
Trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người
dân Việt Nam trong thời điểm này vẫn không hề giảm sút. Theo các nhà
phân tích, thị trường nhà ở vẫn là thị trường tiềm năng bởi Việt Nam có
dân số hơn 86 triệu người và 60% số đó vẫn đang ở độ tuổi lao động. Điều
đó chứng tỏ có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mong muốn có nhà riêng. Vì
vậy, ngay cả trong suy thoái, nhu cầu nhà ở vẫn không ngừng tăng thêm. Tuy
nhiên, đa số người có nhu cầu mua đều không thể tiếp cận được những
người muốn bán bởi giá nhà vẫn quá cao so với thu nhập chung của người
lao động. Điều này khiến tương lai phục hồi thị trường bất động sản Việt
Nam gặp nhiều khó khăn.