Theo một báo cáo mới nhất vừa được công bố ngày 29/11, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhận định trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á vẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm, tuy nhiên các thị trường trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng.
Cụ thể, theo ADB, các thị trường trái phiếu nội tệ tại các nền kinh tế này tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại so với trước đây. Vào cuối tháng 9, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành tại khu vực là 5.500 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước tính theo giá trị đồng nội tệ.

Trái phiếu phát hành trong quý 3 tại khu vực có tổng giá trị 829 tỷ USD, tăng 7,6% so với quý 2 nhưng giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân có sự tăng trưởng trong quý 3 là do sự phát triển mạnh của thị trường trái phiếu công ty trong khu vực với tốc độ tăng trưởng 15,4%, bên cạnh đó thị trường trái phiếu chính phủ chỉ tăng 1,3%.


Ông Iwan J. Azis, Chánh Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cho rằng: “Tỷ lệ nợ thấp cùng nền tảng kinh tế vững chắc và lợi tức cao so với trái phiếu của các thị trường phát triển tiếp tục là những nhân tố đóng góp cho sự hấp dẫn của các trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Châu Á”.

Tuy nhiên theo đánh giá từ báo cáo, thị trường trái phiếu vẫn còn những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng, bao gồm sự bất ổn ngày càng tăng xung quanh các nền kinh tế Châu Âu đang gây ra những biến động tại các thị trường khu vực và toàn cầu và hiện tượng dịch chuyển đầu tư vào những lĩnh vực an toàn hơn. Thêm vào đó, thách thức còn đến từ việc giảm sút tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á và khả năng rút vốn đột ngột.


Được biết, Báo cáo tiến hành đánh giá các thị trường trái phiếu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Hồng Công, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.


Đối với Việt Nam, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3, với tốc độ tăng trưởng là 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 17 tỷ USD. Thị trường trái phiếu công ty tăng 34,7% trong khi thị trường trái phiếu chính phủ tăng 21,1%.


Tại Trung Quốc có thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á với tổng giá trị các trái phiếu đang lưu hành là 3.200 tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,5% so với tại thời điểm cuối tháng 6. Thị trường trái phiếu công ty tăng 20% so với cùng ký năm ngoái, trong khi thị trường trái phiếu chính phủ chỉ tăng 0,7%.


Hiện, trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành có thể trở thành một lớp tài sản mới hấp dẫn tại các thị trường khu vực. Chính phủ Thái Lan hiện cho phép các chính quyền địa phương và các công ty do chính quyền địa phương sở hữu được phép phát hành trái phiếu. Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã phê chuẩn việc phát hành trái phiếu của chính quyền thành phố Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông với giá trị lần lượt là 7,1 tỷ nhân dân tệ và 6,9 tỷ nhân dân tệ.


Về đường cong sinh lợi tại hầu hết các thị trường hiện đang nằm ngang và trong một số trường hợp đang chuyển sang đi xuống do các thị trường và các nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng chứ không kiềm chế lạm phát. Lợi tức giảm xuống, đặc biệt đối với các trái phiếu có thời hạn dài, đem lại cho các chính phủ trong khu vực cơ hội huy động những khoản vay có hiệu quả về chi phí nếu như họ cần phải huy động thêm vốn.


Báo cáo khảo sát về độ thanh khoản mới nhất của AsianBondsOnline đối với hơn 100 nhà đầu tư cho thấy chênh lệch giữa giá chào và giá mua đã lớn hơn so với năm ngoái nhưng tỷ lệ doanh thu đã có cải thiện. Các kết quả khảo sát cũng cho thấy những nhà đầu tư tham gia thị trường muốn các chính phủ phát hành thêm trái phiếu để tăng cường tính thanh khoản của thị trường. /.

Theo Linh Chi (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh