Theo ACB, thực hiện đề án tái cơ cấu vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm của ngân hàng này trong năm 2016. Một số vấn đề đã được giải quyết theo lộ trình xử lý các tài sản tồn đọng được NHNN phê chuẩn cho giai đoạn 2016-2018, trong đó có vấn đề thu hồi nợ.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho thấy, việc thu hồi các khoản tiền gửi liên ngân hàng của ACB tại 2 ngân hàng 0 đồng là VNCB và GPBank đã ghi nhận chuyển biến nhất định.
Cụ thể, với khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại GPBank, ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Vào ngày 12/9/2016 và ngày 4/11/2016, ACB và một công ty con của ngân hàng đã nhận chuyển nhượng 2 bất động sản với giá trị lần lượt gần 68,8 tỷ đồng và 62 tỷ đồng do GPBank nắm giữ để cấn trừ 65 tỷ đồng và 62 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Đối với số dư 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn còn lại tại GPBank, ACB đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do GPBank nắm giữ để cấn trừ nợ.
Bên cạnh đó, khoản vay 400 tỷ đồng tại một ngân hàng bị buộc mua lại 0 đồng khác là VNCB (nay là CB) đã quá hạn lãi hiện đã được phân loại vào nhóm 5-nợ có khả năng mất vốn. Theo phê duyệt từ NHNN, khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình được phê duyệt, dự kiến đến ngày 30/9/2020 sẽ hoàn tất.
Kết thúc năm 2016, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với 2015 và đạt 111% kế hoạch cả năm đề ra trước đó.
Dư nợ tăng nhanh nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,3% xuống còn 0,9% vào cuối năm 2016, thấp nhất từ năm 2011. Tỷ lệ nợ nhóm 2-5 cũng giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 2,1%.