Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa nối các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Trung, do tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 30.000 tỉ đồng nên Bộ GTVT sẽ phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn đầu chỉ xây dựng hai làn xe để giảm tổng mức đầu tư.
Một dự án khác tại khu vực phía Bắc là đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn cũng được lên kế hoạch xây dựng với 2 làn xe. Với tổng mức đầu tư 3.150 tỉ đồng, đường cao tốc 2 làn xe Thái Nguyên - Bắc Kạn được coi là công trình vừa sức với các nhà đầu tư trong nước.
Còn tại khu vực phía Nam, dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) cũng được Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, trước mắt chỉ xây dựng 2 làn xe, đạt tốc độ 60 đến 80km/giờ.
Hạ mức tổng số vốn đầu tư cho các tuyến đường cao tốc
Theo quy hoạch đã được lập, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200 km, nếu xây dựng 4 làn xe thì tổng mức đầu tư sẽ lên tới 65.350 tỉ đồng.
Quyết sách này được đưa ra, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, mời gọi các nhà đầu tư khó khăn, trong khi Bộ GTVT thấy chi phí xây dựng các tuyến cao tốc lại rất lớn, việc giảm quy mô xây dựng đường cao tốc từ 6 hoặc 4 làn xe xuống 2 làn xe được coi là giải pháp phù hợp để thu hút các nhà đầu tư do nguồn vốn phù hợp và thời gian hoàn vốn ngắn.
Trước đó, đầu năm 2014, Bộ trưởng Thăng cho hay, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2014 - 2020, lên tới 960.000 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có thể trông chờ vào khoảng 70.000 tỷ đồng vốn ngân sách, 110.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ và khoảng 100.000 tỷ đồng vốn nước ngoài. Còn lại 680.000 tỷ đồng chưa rõ nguồn.
Bộ trưởng Thăng khẳng định: "Trong bối cảnh các nguồn lực dành cho hạ tầng đang rất khó khăn, việc huy động một khối lượng lớn nguồn vốn BOT đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tạo thế chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông".
Mặt khác, việc giảm số vốn đầu tư cho các công trình cũng là lợi thế cho các nhà đầu tư trong nước. Bởi vì, thực tế hiện nay, Trung Quốc là nhà thầu nước ngoài lớn nhất ở nước ta. Các gói thầu, dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, ODA của các nước, cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam là rất nhỏ.
Ngay cả một số dự án sử dụng vốn trong nước, thậm chí là ngân sách Nhà nước thì các nhà thầu Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Trong 10 năm qua, đối với gói thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhà thầu Việt thắng thầu ở 67% số lượng gói thầu, nhưng trị giá gọi thầu chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ này đối với nhà thầu Trung Quốc là 48%.
Đặc biệt, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Việc các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến các nhà thầu Việt Nam đứng "ngoài rìa" và mất hết việc.
Nói về nguyên do tại sao nhà thầu TQ luôn trúng thầu, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm Bộ môn cầu đường, Trường ĐH GTVT Hà Nội giải thích: "Một là, bởi vì họ tích cực tham gia dự thầu. Hồ sơ dự thầu của họ đáp ứng những tiêu chuẩn mình đưa ra ví dụ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính người ta đều đạt, giá thầu thì có cái thấp, cái cao nhưng nói chung họ luôn đưa ra giá thầu thấp so với giá chung. Theo luật đấu thầu thì người ta trúng.
Đối với các dự án đầu tư lớn, yêu cầu năng lực tài chính lớn, thêm nữa là đã phải thực hiện vài ba công trình có quy mô lớn tương đương, cho nên các nhà thầu trong nước đến đó thì gặp khó khăn".
Vấn đề quan trọng nhất là năng lực tài chính, theo ông Toản, trước đây chỉ cần gói thầu mấy nghìn tỷ các nhà thầu trong nước đã không có đủ, nói gì mấy chục nghìn tỷ.
"Nghĩa là Việt Nam đã đề ra những tiêu chuẩn cần thiết, nhưng các nhà thầu trong nước không đáp ứng được. Vì thế, các nhà thầu nước ngoài đặc biệt Trung Quốc trúng thầu" - ông Toản lý giải.
Chính vì thế, việc Bộ GTVT đưa ra quyết định chia nhỏ các gói thầu sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước có lợi thế khi bỏ thầu.