23/08/2020 10:00 AM
Đến 17-8, có khoảng 90-95% DN lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc thường trực Sở Du lịch TP.HCM, vừa có công văn gửi UBND TP.HCM, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch về việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, giai đoạn bình thường mới tháng 5-7 TP có khoảng 35-40% DN du lịch hoạt động trở lại. Ngành du lịch TP bước vào giai đoạn phục hồi, đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa, tổ chức Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 16...

Hoạt động của DN du lịch bắt đầu khởi sắc, các DN đã sử dụng nguồn vốn dự trữ còn lại tái khởi động thông qua triển khai các chương trình kích cầu du lịch.

95% công ty lữ hành 'đóng băng', TP.HCM đề xuất 2 kịch bản cứu

Khách đến tìm hiểu chương trình du lịch tại Ngày hội Du lịch TP.HCM lần 16. Ảnh: Tú Uyên

Từ 25-7, dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các DN lữ hành vừa mới phục hồi.

Theo báo cáo sơ bộ của các DN, đa số khách huỷ các tuyến du lịch miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt cho đến tháng 9. Đến 17-8, có khoảng 90-95% (trong 35- 40% DN hoạt động gia đoạn bình thường mới) DN lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nhưng DN lữ hành cho biết họ khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng. Hầu hết người lao động, DN lữ hành chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

95% công ty lữ hành 'đóng băng', TP.HCM đề xuất 2 kịch bản cứu

Du khách chọn mua quà lưu niệm tại ga Đà Lạt hồi tháng 7

Qua lắng nghe ý kiến đề xuất của các DN lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP, Sở đề xuất Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp theo hai kịch bản nhằm hỗ trợ DN trong thời gian tới.

Kịch bản thứ nhất: trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9, tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các DN lữ hành, khách sạn vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh. Tiếp tục rà soát đề xuất các chính sách hỗ trợ DN.

Sở đề xuất Bộ kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp thiết thực để tạo điều kiện cho DN du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ tại Nghị Quyết 42, Quyết định 15; kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 từ sáu đến 12 tháng; Giảm 50% thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020, tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ internet...

Các DN cũng muốn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành để DN có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh.

Đề nghị Bộ giao thông vận tải có ý kiến để các hãng hàng không hỗ trợ DN lữ hành bằng hình thức hoàn trả tiền đặt cọc vé máy bay đối với các thông báo huỷ trước trong khoảng thời gian hợp lý.

Kịch bản thứ hai: trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV năm 2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên sẽ tập trung các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch; hỗ trợ DN tái cơ cấu định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Với kịch bản này Sở đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi công nghệ số với nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ DN du lịch…

Tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa 100 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 250 triệu đồng.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài 500 triệu đồng.

Tú Uyên (PLO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.