Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2015, cả nước có 1.219 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,87 tỷ USD, tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 634 dự án đầu tư đăng ký mới và 290 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,35 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa với 157 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 311,08 triệu USD.
Trong 8 tháng năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,33 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.
TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 18,2%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,13 tỷ USD, chiếm 8,5%.
Xét theo vùng thì Đồng bằng Sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 5,68 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 5,48 tỷ USD, chiếm 41,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng thu hút đầu tư nước ngoài ít nhất cả nước trong 8 tháng cả vùng chỉ thu hút được 34,93 triệu USD chiếm 0,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.