21/09/2021 4:50 PM
Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp kiến nghị cần tập trung đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú/nhà ở xã hội cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; cho phép xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạng mục hạ tầng của khu công nghiệp.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập cả nước đạt hơn 50%

Sau khi phối hợp với Bộ Công thương và tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố tại hội nghị trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp diễn ra vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo cho biết, tính đến cuối tháng 8.2021, trên phạm vi cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha.

Trong đó có 397 khu công nghiệp đã được thành lập (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 122,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiêp khoảng 82,6 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập cả nước đạt khoảng 52,5%, nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.

Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Reuters

Về khu kinh tế ven biển, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, trong đó 18 khu kinh tế đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 857,6 nghìn ha, 01 khu kinh tế chưa được thành lập là khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích quy hoạch là 13.950 ha.

Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong khu kinh tế ven biển đạt trên 44,1 nghìn ha, chiếm khoảng 45% tổng diện tích dành cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế ven biển.

Về khu kinh tế cửa khẩu, 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích 766ha.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 432 dự án đầu tư mới và 153 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 154,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 8.2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.195 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,54 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 8%, 2,9%, 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020.

7 khó khăn, thách thức

Dù vậy, qua phản ánh của địa phương, doanh nghiệp, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt, bao gồm:

Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của nhà đầu tư trong và nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Các doanh nghiệp trong cụm, khu này (kể cả doanh nghiệp FDI) chủ yếu thuộc các ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may…. (là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm của Việt Nam) bị ảnh hưởng tiêu cực do: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; bị ảnh hưởng phải trì hoãn, hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng (Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hàng nghìn công nhân đã phải tạm ngừng sản xuất, một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác như Apple, Intel…)

Một vấn đề được nhắc tới đó là chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số khu công nghiệp gây khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Đề cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại các doanh nghiệp khu phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động tay nghề như điện tử, cơ khí, dệt may… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn về vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn, cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài.

Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí, giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đội chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện và kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động tại chỗ của doanh nghiệp.

Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không đủ vốn lưu động để chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, chi phí nguyên vật liệu… Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và các khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tổ chức phương án 3 tại chỗ nhưng không đủ không gian trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động, phải tận dụng phòng họp, phòng làm việc, nhà kho làm nơi lưu trú nên việc yêu cầu doanh nghiệp giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động là rất khó áp dụng, chi phí thực hiện rất cao, môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.