6 dự án môi trường với tổng vốn 6.000 tỉ đồng được đầu tư thực hiện trong 5 năm hứa hẹn thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững cho TP HCM.

Nội dung trên nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị (Citenco) và Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) vừa công bố ngày 23-2, với mục tiêu là ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế rác thải, xanh hóa nghĩa trang...

Thêm nhà máy xử lý và đốt rác phát điện

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Citenco, 6 dự án môi trường nêu trên gồm dự án hoàn thiện bãi chôn lấp số 3; dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện; dự án nghĩa trang Ða Phước giai đoạn 2; dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại; dự án đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ thu gom, xử lý rác; dự án thiết lập hệ thống thu gom và tái chế chất thải trên địa bàn TP. "Việc hợp tác với HFIC sẽ thúc đẩy, hỗ trợ tài chính để Citenco thực hiện mục tiêu "Xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp xanh, hướng đến tăng tỉ lệ GDP xanh cho TP HCM" - ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết. Bởi theo ông, việc đầu tư máy móc, công nghệ xử lý chất thải hiện đại sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững của TP.

Theo đó, dự án hoàn thiện bãi chôn lấp rác số 3 tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) có vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, quy mô 20 ha, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày bằng công nghệ chôn lấp của Hàn Quốc. Dự án này sẽ khởi công trong quý I/2021 và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2021. Ðây là bãi chôn lấp dự phòng nếu các bãi chôn lấp hiện hữu quá tải hay gặp sự cố phải dừng hoạt động. Lý giải về việc hoàn thiện dự án này, giám đốc Citenco cho hay năm 2015, bãi chôn lấp số 3 do Citenco xây dựng phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP, nguyên nhân không phải do bãi chôn lấp này gây ô nhiễm môi trường mà vì việc xử lý rác được chuyển về khu xử lý Ða Phước. "Việc xây dựng bãi chôn lấp số 3 thời điểm đó đạt 3/4 ô. Ðến nay, UBND TP HCM cho phép Citenco thực hiện ô số 4 còn lại" - ông Nhựt thông tin.

Cũng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, đang xin chủ trương để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng, xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ Martin của Ðức, lượng điện sản xuất sẽ hòa điện lưới quốc gia. Ngoài ra, nếu thủ tục giao đất thuận lợi thì đến cuối năm 2021, Citenco sẽ thực hiện dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại (xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn) về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp. Hiện nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Ðông Thạnh (xử lý chất thải nguy hại, y tế, công nghiệp) công suất 135 tấn/ngày, dự kiến khi dời về Phước Hiệp sẽ nâng công suất xử lý lên 500 tấn/ngày, tiến tới 1.000 tấn/ngày và xử lý theo công nghệ thân thiện môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư 400 - 600 tỉ đồng.

"Ngoài 3 dự án trên thì dự án phát triển nghĩa trang Ða Phước giai đoạn 2; đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại để xử lý rác cũng như xây dựng nhà máy xử lý và tái chế chất thải từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng được Citenco triển khai trong giai đoạn 2021-2025" - lãnh đạo Citenco khẳng định.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện tại Phước Hiệp. (Ảnh do Citenco cung cấp)

Áp dụng công nghệ tiên tiến

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, mỗi ngày TP thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp) và mỗi năm tăng 10%. Việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp được sở này đánh giá đã lạc hậu và không phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội do đó TP đang dần thay đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, đồng thời hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thành 2 loại (tái chế và không tái chế) để phù hợp công nghệ đốt rác phát điện.

Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thực hiện 6 dự án trên khoảng 6.000 tỉ đồng được đánh giá là con số không nhỏ đối với một doanh nghiệp nhà nước, vậy có cần tập trung làm cùng lúc 6 dự án? Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Minh Nhựt cho rằng đó là việc phải làm ngay. Bởi đây là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp môi trường để không lạc hậu với các nước, đặc biệt bảo đảm chất lượng đầu ra theo đúng quy định. Ông Nhựt cũng cam kết tất cả dự án đầu tư của Citenco đều đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, so với Việt Nam thì các công nghệ này đều dẫn đầu, thậm chí so với các nước Ðông Nam Á cũng không thua kém.

Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HÐTV HFIC - cho biết sự hợp tác giữa HFIC và Citenco trong việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại là hết sức cần thiết. "Hiện nay, hơn 50% tổng vốn các dự án được chuẩn bị từ nguồn sẵn có, phần còn lại sẽ huy động các nguồn trong nước lẫn tài trợ nước ngoài nhằm bảo đảm tiến độ các dự án mà lãnh đạo TP giao" - ông Hòa khẳng định.

Nghĩa trang Ða Phước sẽ có sức chứa 46.000 ngôi mộ

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị TP HCM, dự án nghĩa trang Ða Phước giai đoạn 2 (huyện Bình Chánh, TP HCM) với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng và được xây dựng trên diện tích 46 ha với hơn 46.000 ngôi mộ. Mục tiêu của dự án này là nhằm đáp ứng nhu cầu chôn cất người quá cố, phục vụ cải táng từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa và các nghĩa trang nhỏ nằm rải rác, xen cài trong khu dân cư ở TP.

Thu Hồng (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.