Văn phòng JETRO Hà Nội về có báo cáo sơ bộ về kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022”.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 9/2022, JETRO đã thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm các công ty có tỷ lệ vốn đầu tư từ Nhật Bản 10% trở lên, chi nhánh công ty Nhật Bản, văn phòng đại diện).

Khảo sát tiến hành bằng hình thức gửi và thu thập thông tin qua phiếu câu hỏi online và đã nhận được phản hồi hợp lệ từ 603 công ty.

Theo thông tin sơ bộ báo cáo, JETRO đề cập tới hai nội dung là “triển vọng lợi nhuận kinh doanh” và “kế hoạch triển khai kinh doanh từ nay về sau” của các doanh nghiệp. Các hạng mục khác như “xuất nhập khẩu”, “tiền lương”, “trung hòa carbon”… sẽ công bố trong bản báo cáo chi tiết vào đầu năm 2023.

Theo kết quả khảo sát từ JETRO, trong số khoảng 600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, 59,5% doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trong năm 2022. Do sự hồi phục sau đại dịch Corona nên số doanh nghiệp có lãi ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều tăng so với năm 2021.

Với những doanh nghiệp trả lời kinh doanh năm 2022 “cải thiện” so với năm 2021 phần lớn là phục hồi mạnh sau đại dịch, đặc biệt là ngành sản xuất hàng tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp tỷ lệ “cải thiện” và “xấu đi” tương đương nhau do họ vẫn gặp những khó khăn trong mua nguyên vật liệu, khó khăn do chi phí nhân công, chi phí hậu cần (logistic) tăng.

Về triển vọng lợi nhuân kinh doanh năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo “cải thiện” hơn so với năm 2022 là 53,6%, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo “xấu hơn” là 6,9%. So với toàn khu vực Châu Á và Châu Đại dương số doanh nghiệp dự báo lạc quan tại Việt Nam nhiều hơn.

Lý do hàng đầu trong việc cải thiện lợi nhuận kinh doanh, ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo là do phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức mua nội địa vốn là những yếu tố góp phần vào tăng trưởng của Việt Nam cũng được xếp hạng cao, theo JETRO.

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lê doanh nghiệp trả lời có kế hoạch “mở rộng” tại Việt Nam là 60,0% (tăng 4,7 điểm so với năm trước). Tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN, cho thấy động lực cao trong cả khối sản xuất và bán hàng, theo JETRO.

Mặt khác, JETRO cho biết, trong khảo sát tương tự ở Trung Quốc, số doanh nghiệp trả lời họ sẽ “mở rộng” kinh doanh chỉ chiếm 33,4%, mức thấp nhất (từ khi thực hiện khảo sát với cả khối phi chế tạo năm 2007 tới nay).

“Mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều do kết quả kinh doanh tồi tệ, cảm giác không chắc chắn về tương lai ngày càng gia tăng kèm theo chính sách zero Covid”, JETRO cho biết.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.