Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nghịch lý thứ nhất là giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động trong khi ở các nước khác tỷ lệ này chỉ khoảng 2 - 4 lần. Nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm tới mức 10 lần trong khu vực nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Nghịch lý thứ hai là tình trạng thừa cung nhà ở giá cao đã tạo nên kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu mà không có cầu, trong khi đó thiếu cung trầm trọng đối với nhà ở giá thấp có cầu rất cao.
Nghịch lý thứ ba là dù bất động sản tồn đọng nhiều nhưng giá chỉ hạ tới mức nhất định, không có hiện tượng phá giá. Nghịch lý này được chứng minh khi nhiều nhà đầu tư kêu ca rất thảm thiết về giá bất động sản xuống dốc nhưng họ vẫn chấp nhận để tồn đọng mà không chịu hạ giá. Trong khi đó, hiện tượng giảm giá chỉ mới xảy ra ở một số ít dự án.
Nghịch lý thứ tư là các nhà đầu tư bất động sản nói rằng rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, gần như phá sản nhưng trên thực tế vẫn có tới 80% đang kinh doanh có lãi, thực - hư quả khó lường. Các nhà đầu tư bất động sản kêu cứu thảm thiết nhưng số lượng M&A không cao.
Nghịch lý thứ năm là giá nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi của Chính phủ có giá cao hơn nhà ở thương mại giá thấp cùng loại. Nhà ở xã hội đang được quản lý theo cơ chế thuần túy bao cấp trong khi giá nhà ở thương mại được hình thành từ cạnh tranh trên thị trường. Theo GS. Đặng Hùng Võ, để giải quyết tình trạng này không khó vì giá cả nhà ở luôn phụ thuộc vào công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng, chi phí quản lý, chi phí huy động vốn... Giá nhà ở xã hội cũng sẽ giảm nếu có những thay đổi tốt hơn về xây dựng, quản lý và huy động vốn.
Nghịch lý thứ sáu liên quan đến gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà đã sẵn sàng với giá trị lên tới 21.000 tỷ đồng nhưng người có nhu cầu rất khó tiếp cận vốn, chưa biết bao giờ mới giải ngân xong và liệu người có thu nhập thấp thực sự có tiếp cận được ưu đãi này.