04/10/2021 10:24 AM
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn mọi thứ từ đời sống tới các hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Nó cũng khiến nhiều sản phẩm và dịch vụ trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn, bao gồm cả bất động sản.

Ở nhiều thị trường, người bán đang ở “cửa trên”, họ có thể đòi hỏi người mua nhà thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Trong khi đó, người mua rất khó tìm được căn nhà phù hợp với túi tiến hoặc phải cạnh tranh gay gắt với nhiều người mua khác.

Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện khi giá nguyên vật liệu giảm dần, nhưng thị trường hiện tại vẫn vô cùng hỗn loạn và khó dự báo. Một số chính phủ đã phải vào cuộc để kiểm soát giá cả thông qua các chính sách tiền tệ.

Dưới đây là 5 thành phố đang chứng kiến sự bùng nổ bất động sản mạnh mẽ nhất trên toàn thế giới. Hãy xem các chính phủ tại từng thành phố đang làm gì để hạ nhiệt thị trường.

Thâm Quyến, Trung Quốc

Nằm ở Đông Nam Trung Quốc, Thâm Quyến có dân số hơn 12,5 triệu người và nối Hồng Kông với Trung Quốc đại lục. Thành phố này hiện là một trung tâm công nghệ hàng đầu toàn cầu, và được truyền thông gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Thị trường bất động sản ở Thâm Quyến đang bùng nổ, giá đã tăng 16% trong năm qua. Người mua sẽ phải trả khoảng 1,9 triệu đô la cho một căn hộ rộng khoảng 176m2 (khoảng 250 triệu đồng/m2). Để kiểm soát giá cả, chính quyền đang tích cực ban hành các quy định mới, bao gồm áp đặt giá trần cho hơn 3.500 dự án bất động sản. Một số ngân hàng Trung Quốc cho biết họ sẽ không cho các chủ đầu tư vay vượt quá mức giá mà chính phủ quy định.

Auckland, New Zealand

New Zealand là một trong những thị trường nhà ở có giá đắt đỏ nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. 55% người dân thuộc nhóm nghèo nhất phải chi từ 40% thu nhập trở lên cho việc thuê nhà. Tỷ lệ này cao nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồng thời, 40% người có thu nhập thấp nhất phải chi ít nhất 40% thu nhập cho các khoản vay thế chấp để mua nhà. Giá nhà tại đây đã tăng gần 26% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia đánh giá chính phủ New Zealand can thiệp chậm chạp và chưa đủ mạnh mẽ để kiểm soát thị trường nhà ở.

Vào tháng 3, chính phủ đã ban hành các loại thuế mới với các đầu tư bất động sản và cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho những người mua nhà lần đầu bằng cách thúc đẩy nguồn cung nhà giá rẻ và vay ưu đãi. Một đạo luật mới có hiệu lực từ tháng 10/2021 cũng sẽ hạn chế các nhà đầu tư khấu trừ lãi thế chấp khỏi thu nhập chịu thuế. Tuy vậy, đạo luật này không ảnh hưởng đến các gia đình mua nhà để ở.

Dublin, Ireland

Thị trường nhà ở nóng bỏng tay của Dublin đã đẩy nhiều người mua nhà ra khỏi cuộc chơi. Thời báo Ireland đưa tin rằng tính đến tháng 4 năm 2021, giá nhà trung bình ở Dublin cao gấp 9 lần thu nhập trung bình của người dân, và chỉ 12% số người trong độ tuổi 25-39 tuổi sở hữu nhà ở.

Chính phủ đang có nhiều động thái để giải quyết tình trạng này, chẳng hạn như tăng thuế bất động sản và siết chặt các quy định cho vay mua nhà.

Toronto, Canada

Giá nhà cao ngất ngưởng ở Canada, đặc biệt là ở Toronto. Thành phố này thuộc nhóm có chỉ số giá nhà ở cao nhất tại Canada. Mức tăng giá nhà trung bình hàng năm tại đây đạt mức 16%.

Để làm dịu thị trường, chính phủ Canada đang đề xuất áp dụng một mức thuế nhà ở trên phạm vi toàn quốc, đồng thời hạn chế người nước ngoài mua nhà. Mức thuế dự kiến là 1% và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.

Singapore

Singapore được coi là điểm đến cho giới siêu giàu châu Á, nên không có gì ngạc nhiên khi thị trường bất động sản tại đây luôn nóng. Theo Reuters, giá nhà tăng trong hầu hết các quý của năm 2020. Trong quý đầu tiên của năm 2021, giá nhà tăng thêm 3,3%, mức tăng mạnh nhất trong gần 3 năm qua, bất chấp nền kinh tế đang khó khăn.

Các chuyên gia dự báo chính phủ Singapore sẽ mạnh tay kiểm soát thị trường nhà ở như họ từng làm vào năm 2018, khi giá nhà tăng tới 9% theo năm. Các biện pháp có thể bao gồm tăng thuế trước bạ đối với người nước ngoài mua nhà tại Singapore.

Lam Vy (Yahoo)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.