Thứ nhất, về thực thể, TNR Tower nằm trong chuỗi các tòa cao ốc văn phòng với tuyến đường trọng yếu của Quận 1, gần ngay ngã tư Nguyễn Công Trứ – Nam Kì Khởi Nghĩa, cắt ngang những trục đường chính như Pasteur, Calmette, Ký Con, Phó Đức Chính… tạo điều kiện lưu thông thuận lợi sang Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 7, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh… và các khu vực lân cận khác. Vị trí chính xác tại số 180 – 192 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
TNR Tower nằm gần Hầm Thủ Thiêm – trục đường huyết mạch liên kết với Quận 2 – nơi có Khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm tài chính thương mại mới của TP.HCM trong tương lai gần. Toà nhà được xây dựng trên diện tích tổng thể gần 20.000m2 với 25 tầng văn phòng và 3 tầng hầm đỗ xe đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong tòa nhà.
Diện tích các văn phòng tại đây đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu thuê khác nhau của các doanh nghiệp. TNR Tower được thiết kế hiện đại, thông thoáng với chiều cao trần làm việc từ 3,5 – 4,5m, cùng hệ thống trang thiết bị và cơ sở vật chất đồng bộ.
TNR Tower có tên gọi cũ Maritime Bank Tower do TNR Holdings quản lý, công ty này thuộc TNG, một tập đoàn đa ngành của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Maritime Bank. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà Hường đồng thời là Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank và cũng là vợ ông Trần Anh Tuấn.
Trước đó, tài sản này thuộc sở hữu của công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Maritime Bank - đối tác tài chính chiến lược hợp tác hỗ trợ cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ vốn cho các dự án.
Về chủ sở hữu, TNR Holdings Việt Nam ra đời từ cuối 2014, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Vào thời điểm ra mắt tháng 12/2014, TNR Holdings được giới thiệu là nhà quản lý độc quyền phát triển, tiếp thị và bán hàng cho nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP. HCM như Goldmark City, Goldsilk Complex và Gold Season (Hà Nội), The Goldview (TP.HCM)…
Theo thông tin trên thị trường, năm 2016 từng lan truyền thông tin một đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản đang được giao nghiên cứu tìm kiếm nhà đầu tư trong nước và ngoài nước cho các tài sản và dự án của TNR Holdings. Việc tòa tháp TNR Tower chuẩn bị được đối tác Hàn Quốc mua lại đang dần khẳng định những thông tin trên là sự thật.
Về vai chính thứ ba là bên mua, theo tờ Korean Investors, để huy động 62 triệu USD mua lại TNR Tower, KORAMCO đã huy động vốn từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Hanwha. Có thông tin cho rằng Hanwha chính là đơn vị muốn mua lại tòa tháp để mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Được thành lập vào năm 1952, Hanwha là một trong 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc và nằm trong top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Hanwha đã thành lập công ty bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam năm 2008 và tăng vốn điều lệ lên đến 103 triệu USD vào năm 2014.
Sau khi đạt 1.000 tỷ đồng tổng doanh thu phí trong năm 2016, Hanwha đang đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam với gần 250 nhân viên cùng hơn 35.000 tư vấn tài chính tại 100 điểm phục vụ 200 nghìn khách hàng. Tập đoàn này hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, bất động sản và văn phòng cho thuê tại Việt Nam.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, công ty con Hanwha Techwin của tập đoàn đã đầu tư xây dựng nhà máy Hanwha Aero Engines sản xuất các cấu kiện, linh kiện động cơ cho một số hãng hàng không tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Trước đó, vào tháng 4, tập đoàn Hanwha đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy Hanwha Techwin Security tại khu công nghiệp Quế Võ, TP. Bắc Ninh, chuyên về sản xuất mạch điện tử, camera quan sát (CCTV), chip điện tử, thiết bị lưu trữ… tổng vốn đầu tư 100 triệu USD với diện tích khoảng 6 ha.
-
Nhà đầu tư Hàn Quốc chi 62 triệu USD mua lại TNR Tower
CafeLand – Theo tờ Korean Investors, Công ty KORAMCO (Hàn Quốc) đang đàm phán những khâu cuối cùng để mua được tòa nhà văn phòng 25 tầng, TNR Nguyễn Công Trứ tại trung tâm TP.HCM với giá trị khoảng 62 triệu USD.