Ông Ngô Mạnh Hân bên dự án vẫn còn "treo" kéo dài. Ảnh: Đình Sơn
Liên tục đổi chủ
Ngày 11.2.1997, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng xin giao khu đất tại thửa 159 - 162, ấp Bình Triệu, xã Hiệp Bình Chánh, huyện Thủ Đức (nay là phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương (Công ty Đông Phương) để xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Đến ngày 29.3.1997, Thủ tướng chấp thuận giao khu đất trên cho Công ty Đông Phương và Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội với tổng diện tích 44.684 m2 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở cho cán bộ - công nhân viên.
Sau khi được giao đất, Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội cùng với Công ty Đông Phương do ông Trần Văn Giao làm giám đốc thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong khi hai đơn vị đang tiến hành bồi thường thì ông Trần Văn Giao bị bắt vì liên quan đến việc lừa đảo, dự án cũng chậm lại.
Năm 2005, dự án đã chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty Thuốc lá Sài Gòn (Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội sáp nhập vào Nhà máy thuốc lá Sài Gòn). Đến tháng 11.2015, Công ty Thuốc lá Sài Gòn lại có công văn gửi TP đề nghị thay đổi quy hoạch và dự án sẽ xây dựng nhà ở chung cư - thương mại dịch vụ - văn phòng cao tầng. Tiếp đến, năm 2016, TP gia hạn thêm 24 tháng để chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đến nay, Công ty Thuốc lá Sài Gòn đã sang nhượng dự án lại cho Công ty TNHH Đồng Xuân Thủ Đức. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai và có nguy cơ “sang tay” cho một doanh nghiệp khác.
Dự án tiếp tục “dính” thanh tra
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến dự án kéo dài không thể thực hiện được một phần do liên tục đổi chủ. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là đến nay dự án vẫn chưa đền bù xong và liên tục bị dính khiếu kiện từ các hộ dân có đất trong dự án.
Theo ông Võ Văn Đức, gia đình ông là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án trên. Đã hơn 20 năm bố ông (ông Võ Văn Hy, hiện đã mất) khiếu nại vì chưa được bồi thường thỏa đáng. Bởi năm 1996 - 1997, ông Hy chỉ nhận gần 30 triệu đồng là tiền hỗ trợ một phần, không phải bồi thường. Trong khi đó, số tiền ông Hy trả cho những hộ dân đang canh tác để lấy lại phần đất của mình là 90 triệu đồng (thời điểm đó).
Không chỉ gia đình ông Đức, hiện ông Ngô Mạnh Hân và bà Danh Thị Hiền cũng có khiếu kiện về bồi thường đất đai chưa thỏa đáng.
Đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Đình Sơn
Trước các khiếu kiện về việc bồi thường chưa giải quyết xong, năm 2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo UBND TP giải quyết khiếu kiện cho gia đình ông Võ Văn Hy.
Mới đây vào ngày 10.3.2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có kết luận chỉ đạo hai vấn đề liên quan sau cuộc họp về dự án này với sự tham gia của các sở, ban ngành TP.
Theo đó, về khiếu nại của các hộ dân, ông Hoan giao Công ty Thuốc lá Sài Gòn có trách nhiệm thỏa thuận với các hộ dân để chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, làm việc với ông Đức và bà Danh Thị Hiền (bà Hiền cũng khiếu nại việc bồi thường chưa thỏa đáng) để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ hoặc hoán đổi đất theo như cam kết của công ty. Thời gian thực hiện là 30 ngày.
Ông Hoan cũng giao Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành làm việc với Công ty Thuốc lá Sài Gòn về chủ đầu tư dự án. Trường hợp công ty này tiếp tục làm chủ đầu tư thì cần xác định trách nhiệm, quyền lợi của công ty trong việc thực hiện dự án và phương án tiếp tục thực hiện. Trường hợp có vướng mắc về trình tự thủ tục, các chỉ tiêu quy hoạch… thì các đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn công ty thực hiện, báo cáo đề xuất trình TP xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Thời gian thực hiện là 60 ngày.
Ngay sau chỉ đạo của ông Hoan, ngày 20.3.2020, Công ty Thuốc lá Sài Gòn đã có cuộc gặp giải quyết khiếu nại của các hộ dân, với sự tham gia của đại diện cơ quan chức năng. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, cho biết sở này cũng đã tiến hành thanh tra về dự án và sẽ có kết luận trong thời gian tới.
Như vậy, đến nay, sau khoảng 23 năm triển khai, dự án tiếp tục dính đến khiếu kiện, thanh tra và chưa biết đến khi nào cán bộ, công nhân viên nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội mới có nhà ở.