Năm 2012 được xem là năm thử lửa của các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa.
Theo nội dung Chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ
Xây dựng nghiên cứu hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín
dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường bất động sản; chỉ đạo các tổ
chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để
bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu
công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng thực sự có nhu cầu
vay tiền mua nhà để ở.
Ngoài ra, Chỉ thị còn yêu cầu việc giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổng chức tín dụng và đời sống xã hội. Đây được xem là động thái giúp thị trường bất động sản vận hành tốt hơn, ổn định hơn về lâu dài.
Tuy nhiên, Chỉ thị này vẫn có mặt hạn chế bởi bài toán về vốn sẽ vẫn nan giải với nhiều đối tượng khi Chỉ thị yêu cầu: Trước mặt hạn chế cho vay bồi thường giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp và giám sát chặt chẽ việc cho cá nhân vay kinh doanh bất động sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù hiện tại các ngân hàng đang bước vào lộ
trình hạ lãi suất nhưng vốn vẫn là vấn đề đau đầu đối với những doanh nghiệp
bất động sản. Dự báo, hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ gia tăng mạnh mẽ trong
năm 2012- 2013 do hệ quả tất yếu của vấn đề tái cấu trúc thị trường, sau một
vài năm tăng trưởng nóng.
Theo ông Nguyễn Đỗ Việt – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, nhiều doanh nghiệp bất động sản chút ít vốn liếng đủ cho một dự án nhỏ nhưng lại đầu tư quá nhiều dự án một lúc nên phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền vay ngân hàng và huy động của khách hàng. Do đó, một khi những “bầu sữa” này bị cắt hoặc nhỏ giọt thì doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, “sức khỏe” yếu.
Phát biểu tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore” vào tháng 12/2011, ông Phan Thành Mai- Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ khó phát triển trong năm 2012 nếu các dự án tiếp tục thiếu vốn. Chỉ khi các công cụ tài chính mới, phi ngân hàng được triển khai, đồng thời chính sách tín dụng nới lỏng linh hoạt thì ngành địa ốc mới có thể xuất hiện dấu hiệu tích cực vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu điều đó không xảy ra, giai đoạn trầm lắng này sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn bất động sản Soho Việt Nam, do thiếu vốn và khả năng thu xếp vốn trong năm 2012 chưa được giải quyết đã gây áp lực buộc chủ dự án phải nhượng bán hoặc hợp tác đầu tư theo phương thức mua bán và sáp nhập.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, giải ngân tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp sẽ tạo thêm cơ hội để người dân mua nhà, giúp doanh nghiệp bất động sản giảm bớt bị áp lực phải trả nợ, đồng thời giúp thị trường có thêm xung lực.
Một điểm đáng chú ý là tại Chỉ thị 2196/CT-TTg, độ mở của tín dụng bất động sản đã được nới rộng hơn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho nhiều dự án đang đuối sức sau hàng loạt sức ép về vốn vay và lãi suất.
Nhìn chung, thị trường vẫn còn khó khăn cũng như nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay vẫn còn eo hẹp. Vì thế, Theo Th.S Dương Hải - Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam ( CFO Việt Nam) , doanh nghiệp nên cơ cấu lại nguồn vốn từ chi phí, tỷ lệ nợ cho đến doanh thu mới có thể vượt qua thử thách trước bối cảnh hiện nay.