Những tháng mùa nắng, khi đồng đất vừa thu hoạch xong cũng là thời điểm xây dựng công trình tăng tốc. Giá cát nền cao, những ông chủ muốn nâng nền ít tốn kém đã đổ xô đi tìm mua đất ruộng làm thay cho cát lấp.

Mùa nối mùa, năm này qua năm khác, không biết bao nhiêu thửa ruộng bị lột da, đất bạc màu, chai cứng vì tầng đất mặt bị khai thác vô tội vạ.

10m3 đất mặt giá... 350.000 đồng


Xe ben phối hợp lấy đất mặt trên đồng ruộng.

Về miền Tây mùa này, cứ vài cây số theo trục QL1A, thấy đủ loại xe thi nhau chuyển đất ruộng về đổ nền nhà. Ông Nguyễn Văn Thế - ngụ xã Vĩnh Mỹ B (Bạc Liêu), chẳng giấu giếm: “Gia đình tôi có 2 xe ben chuyên chở đất bán cho hộ dân có nhu cầu hay công trình xây dựng với giá từ 350.000-500.000 đồng/xe (10m3 đất), tuỳ vị trí cần đổ gần hay xa. Ngày nắng, bình quân 1 xe chở 30 chuyến/ngày, thu vài triệu đồng”.

Dọc theo các tuyến dân cư ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng, đường về huyện Ngã Năm, người dân cần đất san lấp mặt bằng chỉ việc báo cho các chủ xe ben. Trong vòng 1-3 ngày, là "chủ thầu" đổ đầy nền nhà cả trăm mét vuông, cao gần 1m. "Và để đổi lại, phải tốn hàng trăm mét khối đất, tức là có đến ít nhất nửa công đất bị lấy đi tầng đất mặt" - bà Huỳnh Thanh Tâm - xã Thạnh Qưới (Sóc Trăng), cho biết.

Đối diện Khu công nghiệp Bạc Liêu, miếng đất rộng chừng 1ha để xây nhà kho đều dùng đất ruộng đổ cả ngày, đêm với mấy nghìn khối đất, và cũng từng ấy mét vuông ruộng bị “lột da”…

Nguy cơ bạc màu, trũng thấp

Tầng đất mặt của đất trồng màu mỡ nhất, độ phì nhiêu cao nhất; nó như cơ thể vậy. Lấy đi phần đất này giống như lột lớp da bảo vệ tốt nhất cho cơ thể. Độ phì nhiêu của đất là khả năng cung cấp đủ nước, oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, không chứa các chất có hại cho cây; là một trong những yếu tố quyết định năng suất cây trồng.

Bà Thanh (62 tuổi), ở xã Vĩnh Mỹ B, Bạc Liêu, thừa nhận: Năm ngoái vì thiếu tiền sản xuất nên bấm bụng cho người ta lấy đi lớp đất mặt của 3 công ruộng, đổi lấy 6 triệu đồng.

Năm nay cũng không khá hơn, nên bà quyết định bán cho họ tầng đất mặt một lần nữa ngay chính 3 công đất trên, để họ bào mòn lần 2 và trả bà số tiền ít hơn, lý do là đất mặt đã mỏng lắm rồi. Năm nay, đất nhà bà làm lúa không trúng, nước ngập sâu hơn, tốn tiền phân thuốc nhiều hơn. Có lẽ vì đất bị bào mòn gây bạc màu, trũng thấp.

Ông Trần Văn Hạn ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) nằm chung hoàn cảnh như bà Thanh, bán đất cho chủ xe ben lấy đi tầng mặt để rồi không thể canh tác gì, buộc lòng bán luôn mảnh đất cha ông trong sự nuối tiếc. Hàng nghìn hộ bán đất mặt cũng thấp thỏm lo âu về sự sút giảm năng suất và phá vỡ thiết kế đồng ruộng, lúng túng trong sản xuất.

Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), nhận định: Hộ chịu bán đất mặt cho xe ben khai thác thường lọt vào hộ có hoàn cảnh khó khăn, có đất sản xuất nhưng thiếu đầu tư hoàn chỉnh, họ bán tầng đất mặt vì nhận thức kém dẫn đến hậu quả làm suy thoái tầng đất mặt, sút giảm năng suất cây trồng và xáo trộn cấu trúc đất.

Ông Hận nhấn mạnh: “Chúng ta phá đi tầng đất mặt hôm nay, là có tội với hậu thế mai sau”. Những ND quý đất như vàng thì phẫn nộ: “Làm như vậy ("lột da" đất ruộng) là tổn hại tài nguyên và đập bể nồi cơm của nông dân”.

Các nhà khoa học đã phân tích kỹ những hậu quả của việc "lột da" đất phục vụ cho xây dựng về lâu dài không thể tránh khỏi sự suy thoái đất trồng, giảm sản lượng, tác động xấu đến an ninh lương thực và thậm chí làm suy thoái môi trường, sự cố môi trường đất nông nghiệp!.

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland