Vì 1 cm đất mà hai hộ đưa nhau ra tòa, phải qua bốn phiên xét xử và kéo dài ba năm mới xong vụ kiện.

Ngày 9-6, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm (lần hai) vụ nguyên đơn kiện đòi bị đơn 1 cm đất để nguyên đơn sơn trát tường. Trước đó, vụ kiện này từng trải qua ba phiên tòa (hai phiên sơ thẩm và một phiên phúc thẩm (lần một) hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Đã ra tới tòa thì phải minh định thắng thua

Theo trình bày của ông Trần Văn Thân (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), nhà ông và nhà ông Lê Quang Cảnh giáp ranh nhau. Hai ông từng là đồng nghiệp trong một xí nghiệp của ngành đường sắt. Năm 1993, thay vì xây một bức tường suốt chiều dài nhà để làm ranh, họ chọn cách xây ở hai đầu, khoảng giữa để trống cho thoáng. Đến năm 2011, ông Thân xây nhà nhưng khi hoàn tất thì ông Cảnh không cho sơn trát bức tường phía đông (nơi tiếp giáp giữa hai hộ) vì cho rằng ông Thân đã xây hết phần đất đã có rồi.

Tại tòa, ông Thân cho rằng mình vẫn còn đất. Cụ thể, ông cho rằng diện tích của ông là 88 m2 nhưng qua đo đạc vẫn còn thiếu 2,2 m2. Thêm nữa, ranh giới giữa hai nhà là hai bức tường chung ở hai đầu, nếu lấy tim của hai bức tường kẻ một đường thẳng thì ông vẫn còn ít nhất 1 cm đất.

Ông Cảnh thì cho rằng việc ông Thân thiếu đất có thể là thiếu về phía giáp ranh khác. Hai bức tường chung làm ranh giới có bề dày 8 cm, tức mỗi hộ có 4 cm. Nhưng nay sau khi ông Thân xây nhà, bức tường còn lại chỉ 3,4 cm, tức là ông Thân đã chiếm 0,6 cm nên không còn đất để sơn trát. Nếu ông Thân sơn trát thì sẽ “cuỗm” nguyên bức tường chung mất.

Nghe hai bên trình bày xong, tòa cho rằng diện tích tranh chấp quá nhỏ nên hai hộ hãy cố gắng nghĩ tới tình đồng chí, đồng nghiệp, tình láng giềng để hòa giải. Nhưng hai hộ nhất quyết lắc đầu.

Ông Cảnh nói đã ra tới tòa thì phải minh định trắng đen. Rồi ông trình bày trong thời gian xây nhà, lợi dụng lúc hộ ông đi vắng, ông Thân đã cho thợ đập phá gây sụt lún tường và còn chửi bới, gây bức xúc, mất tình làng nghĩa xóm nên ông đã có đơn yêu cầu phường giải quyết. Sau đó ông Thân có lời xin lỗi nên ông Cảnh rút đơn. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao sau đó ông Thân lại đệ đơn ra tòa yêu cầu giải quyết. “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng. Đã ra tòa thì phải có trắng có đen, không hòa giải nữa. Nếu muốn hòa giải thì ông Thân phải thấy được cái sai của mình và xin lỗi tôi trước tòa” - ông Cảnh nói.

Thắng kiện nhưng phải bồi thường

Về phía ông Thân, ông vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng mình còn đất nhưng nếu hộ ông Cảnh tiếp tục làm khó thì ông sẵn sàng hỗ trợ cho ông Cảnh 9 triệu đồng. “Còn xin lỗi thì không bao giờ, vì tôi không sai, vả lại đây là vụ kiện ranh giới đất chứ có phải tổn thất tinh thần đâu mà xin lỗi” - ông Thân nói.

Đáp lại, ông Cảnh nói: “Tôi không nghèo để đi xin hỗ trợ và ông Thân cũng không phải nhà từ thiện mà phải hỗ trợ tôi. Tôi sẽ cho ông Thân sơn trát tường với điều kiện ông Thân phải nhận ra rằng ông đã lấn đất và có lời xin lỗi tôi trước tòa để thư ký ghi vào biên bản”.

Không chấp nhận, ông Thân cho rằng mình không lấn đất mà thậm chí còn thiếu đất nên không việc gì phải bồi thường, có chăng chỉ hỗ trợ để giải quyết dứt điểm vụ án mà thôi.

HĐXX cho rằng nếu hai bên cứ ganh nhau từng từ, từng chữ thế này sẽ khó lòng giải quyết dứt điểm. Hơn nữa, diện tích lấn chiếm của hai bên quá nhỏ, chỉ có 1 cm đất bề ngang, tính ra chỉ có 0,885 m2.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bức tường phía nam của ông Thân vẫn còn thiếu 1 cm đất, còn ông Cảnh thừa 2 cm đất. Như vậy, ông Cảnh vẫn còn 0,885 m2 đất phía giáp ranh giữa hai hộ. Thêm vào đó, ông Thân chỉ khởi kiện để xin được sơn trát bức tường thuộc ngôi nhà ba tầng đã xây kiên cố, điều đó là hợp lý, hợp tình, nhằm đảm bảo thẩm mỹ chung và chất lượng ngôi nhà.

Từ đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thân, ông Thân được phép sơn trát tường nhưng chỉ được sơn với bề dày từ 1 đến 1,5 cm theo phương thẳng đứng suốt bề dài bức tường. Ngoài ra, ông Thân phải bồi thường cho ông Cảnh 7 triệu đồng do trong khi xây dựng làm lún tường của ông Cảnh.

Giàu vì ruộng không giàu vì bờ

Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng người ta giàu vì ruộng chứ không ai giàu vì bờ, một phân đất không làm nên sự giàu có nhưng hai hộ lại đem nhau ra tòa, đánh mất đi tình cảm cao quý. Khi tòa đến đo đạc hiện trường, nhiều hộ là hàng xóm và cũng là đồng nghiệp của nguyên đơn và bị đơn cũng thốt lên: “Buồn lắm, chỉ có một phân đất mà các đồng chí ấy đánh đổi hết!”.

Dù được thẩm phán khuyên vậy nhưng hộ ông Thân vẫn cứ nói: “Tôi không lấn đất nhưng muốn thì tôi hỗ trợ”. Còn ông Cảnh thì: “Ổng sai thì phải thừa nhận. Tiền không quan trọng bằng danh dự con người”. Vị thẩm phán lắc đầu: “Tiền không quan trọng là đúng, danh dự đáng quý là đúng nhưng tình cảm giữa con người với con người cũng đáng quý không kém”.

*Bài được thay đổi theo CafeLand.

Thanh Bình (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.