Bất kể việc UBND TP Hà Nội mạnh tay "siết" nhà siêu mỏng siêu méo, đến thời điểm này, theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố lại mọc thêm hơn 130 ngôi nhà “dị dạng” khác.
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Vẫn dậm chân tại chỗ
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vấn là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng

Nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn "mọc" như nấm


Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 660 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng, trong đó có 131 trường hợp phát sinh thêm sau Quyết định số 15 của UBND TP Hà Nội ngày 6/5/2011 về quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng.

Trong đó, Từ Liêm hiện là huyện đứng đầu về phát sinh nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo với 66 trường hợp. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi quyết định trên ban hành, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên "như nấm sau mưa”.


Theo ghi nhận của PV
Tamnhin trên địa bàn quận Thanh Xuân, nơi được thành phố chọn làm điểm từ trước khi ra đời Quyết định 15, thống kê ban đầu có khoảng 70 trường hợp thuộc diện phải chỉnh trang. Đến thời điểm hiện nay còn khoảng hơn 30 trường hợp đang được giải quyết, trong đó có những thửa đất siêu nhỏ như ở số 116, đường Nguyễn Xiển mới mở (phường Hạ Đình). Tổng diện tích phần đất này chỉ 3,1m2, trong đó chiều sâu có chỗ 0,12m nhưng mặt tiền rộng đến 9m. Tại Đống Đa, địa bàn có số lượng thửa đất phải xử lý thuộc diện nhiều nhất trong các quận huyện của thành phố (86 trường hợp), không ít trường hợp chỉ có tổng diện tích 1-3m2.

Đối chiếu với Quyết định 15, toàn bộ các trường hợp kể trên đều buộc phải hợp khối thửa đất hoặc bị thu hồi, nhưng đến nay hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố mới hoàn thành xong việc thống kê, phân loại và hoàn thiện hồ sơ pháp lý chứ chưa có phương án xử lý cụ thể.


Nhà siêu mỏng siêu méo là dạng nhà hình thành trên thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m
2; hoặc có chiều sâu tính từ chỉ giới đường đỏ hoặc chiều rộng mặt tiền dưới 3m. Lâu nay, những trường hợp này đều không được cấp phép xây dựng. Đương nhiên nếu tồn tại những ngôi nhà như thế bên các tuyến đường cải tạo, mở rộng vừa qua chắc chắn là dạng nhà không phép.

Giải pháp nào cho nhà siêu mỏng, siêu méo?


Nguyên nhân gây nên tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ở thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trên các tuyến đường lớn, tuyến phố, các khu vực mới mở rộng là do quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.


Có hai phương án được đưa ra để xử lý dạng nhà này là hợp khối và thu hồi. Nhưng cho đến nay, các quận huyện vẫn chưa thực hiện việc lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Còn bản thân những người thực thi chủ trương này của thành phố cũng đau đầu với câu chuyện hậu thu hồi: Giải pháp kiến trúc nào cho những thửa đất này?


Bởi lẽ nếu chiếu theo quy định, với những trường hợp bị thu hồi, khi đền bù giải phóng đất của dân là đất nông nghiệp không được đáng mấy tiền, nay chỉ còn vài mét vuông, chỉ đủ để mở một cái quán cóc. Nếu lấy đất của họ đi, số tiền đền bù không đủ mua một căn hộ dù chỉ rộng 45m
2 để cả gia đình ở. Còn với những trường hợp đủ điều kiện hợp khối cũng khó làm, vì người dân không thỏa thuận được với nhau.

Hơn nữa, việc thu hồi những thửa đất nhỏ lẻ này thực chất chỉ là thu hồi phần còn lại của những thửa đất đã thu hồi trước đó, khi mở đường. Theo quy định thì những trường hợp này không thể cấp nhà tái định cư cho dù diện tích thu hồi hiện nay có thể tới gần 15m
2. Đó là điều thiệt thòi cho các hộ dân trong khi giá đất mặt tiền ở những nơi này hiện lên đến cả trăm triệu đồng.

Còn nếu biến tất cả các thửa đất dưới 15m
2 dọc các tuyến đường chính đô thị thành các ki ốt, kể cả xây dựng làm bản tin hay thành vỉa hè ở những thửa đất thu hồi thì cũng không ổn. Sau khi hợp khối được, người dân có thể không thực hiện buôn bán nhỏ, làm dịch vụ… hoặc không đập đi xây lại tổng thể cho phù hợp với quy hoạch chung. Nếu những hiện tượng như vậy xảy ra, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ là hình thức, chưa cải thiện được mỹ quan đô thị.

Thậm chí, ngay trong Quyết định 15 vẫn để ngỏ hai khả năng khi mở rộng, làm mới các tuyến đường đô thị: Lấy tiếp 50m đất vào trong để chỉnh trang mặt phố; hoặc thực hiện hợp khối - thu hồi các thửa đất quá nhỏ để chỉnh trang như công việc thành phố đang làm hiện nay. Tưởng như phương án giải quyết này nhằm mục đích “linh hoạt” xử lý các trường hợp nhưng thực ra lại rất dễ dẫn đến những giải pháp nửa vời, giải pháp tình thế.


Trong khi đó, quá trình phát triển đô thị, mở đường mới chỉ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo chỉ giới đường đỏ. Quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố cũng chưa có, cũng như việc xử lý đối với phần diện tích đất còn lại sau khi mở đường chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, thiếu cơ chế... đã dẫn đến những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố.


Nhà siêu mỏng, siêu méo được ví như những vết lở loét của thành phố, làm xấu đi vẻ mỹ quan của thủ đô. Trong khi mỗi tấc đất ở Hà Nội vẫn là tấc vàng thì nỗ lực chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự xây dựng, “xử” nhà siêu mỏng, siêu méo, còn là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý.

Theo Thảo Nguyên (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.