Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM gia hạn cho những dự án đã bồi thường được 50% nhưng chậm triển khai. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, với chính sách, tình hình thị trường và khả năng vốn liếng như hiện nay thì dù có được gia hạn, những dự án bị “trùm mền” này cũng khó có thể đẩy nhanh tiến độ.

Người dân phường 28 nằm trong bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM sống trong cảnh bị quy hoạch treo ngót nghét 20 năm. Ảnh: Đoàn Quý

Dự án khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư Waseco Plaza (số 10 Phổ Quang, Tân Bình) do công ty cổ phần đầu tư xây dựng và cấp thoát nước Waseco làm chủ đầu tư là một minh chứng. Dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, quy định thời gian phải hoàn thành là năm 2011. Tuy nhiên, hiện nay công trình mới hoàn thành được 5% khối lượng. Hiện chủ đầu tư đang liên hệ với sở Tài chính thẩm định giá trị quyền sử dụng đất bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, nhằm tiến hành các bước tiếp theo để cấu trúc lại dự án đầu tư. Theo nhận định của đoàn khảo sát sở Quy hoạch – kiến trúc, dù dự án đã trễ một năm nhưng chủ đầu tư khó có thể triển khai thực hiện bởi các lý do: chủ đầu tư thiếu vốn, khó tiếp cận với ngân hàng do lãi suất cao, tình hình thị trường bất động sản đóng băng…

Dự án khu dân cư Bà Điểm do công ty cổ phần An Thịnh làm chủ đầu tư được quy định thời gian thực hiện từ tháng 6.2009 – 12.2010. Tuy nhiên, hiện nay công trình mới hoàn thành giai đoạn 1 về hạ tầng kỹ thuật (đạt 80%). Chủ đầu tư cho rằng sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, qua khảo sát dự án, đoàn công tác cho rằng, tiến độ dự án công trình chậm so với kế hoạch, không đảm bảo đúng tiến độ đề ra (chậm ba năm). Mặc dù hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện công trình, do chưa huy động được vốn từ khách hàng. Chủ đầu tư thừa nhận, do thiếu vốn nên không có khả năng thực hiện tiếp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn tiếp theo.

Dự án chung cư Võ Đình (phường Thới An, quận 12) do công ty TNHH xây dựng Võ Đình làm chủ đầu tư. Khi thẩm định dự án, sở Xây dựng TP.HCM quy định thời gian hoàn thành là vào năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay đã trễ hẹn gần hai năm nhưng dự án vẫn chưa được hoàn thành.

Điểm danh một vòng các dự án được phê duyệt tại các quận huyện trên địa bàn thành phố thì quận/huyện nào cũng có dự án chưa triển khai hoặc ngưng thi công. Cụ thể, quận 4 có 37 dự án thì có tới 12 dự án chưa triển khai hoặc ngưng thi công; tương tự, quận 8 có 2/98 dự án; quận 6 có 19/29 dự án; huyện Cần Giờ có 2/4 dự án; huyện Bình Chánh có sáu dự án đến nay vẫn chưa triển khai bồi thường và 19 dự án đang thoả thuận bồi thường…

Trong chính sách hỗ trợ các dự án nhà ở, sở Xây dựng TP.HCM đã có kiến nghị UBND thành phố gia hạn đối với những dự án đã bồi thường cho dân được 50%, nhưng bị ngưng thi công bởi các lý do khác. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản thành phố, thì những dự án đã bồi thường 50%, thậm chí 80% dù có được gia hạn thì với những chính sách hiện nay, những dự án này cũng khó có thể thực hiện được theo tiến độ. Bởi, doanh nghiệp không thể thương lượng giá đền bù đối với phần diện tích còn lại do người dân đòi giá đền bù quá cao.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền chưa có giải pháp tích cực nhằm giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành công tác đền bù cho toàn bộ diện tích dự án, với các phương án xử lý như: doanh nghiệp phải bồi thường bằng mức giá cao nhất đã thực hiện bồi thường trước đây trong dự án; thuê công ty thẩm định giá bồi thường để doanh nghiệp thực hiện; nếu doanh nghiệp và người có đất không thoả thuận thì đưa ra toà án để quyết định ra giá bồi thường…

“Điều đó là rất khó”

Theo các nhà đầu tư, hiện nay nhà nước không có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hồi đất, đền bù thực hiện dự án (kể cả dự án kinh doanh) khi tỷ lệ đền bù mà các doanh nghiệp đã thực hiện đạt khoảng 80 – 90% nhằm đẩy nhanh tiến độ, tiết giảm chi phí. Do đó, dự án không thể triển khai thi công xây dựng do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Mặt khác, giá đất người dân đòi cao gấp 3 – 4 lần so với giá bồi thường thành công của dự án. Do đó, dự án không thể hoàn tất công tác bồi thường, hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai thi công xây dựng. Một chính sách tối ưu khác của nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng khó khả thi là chính sách gia hạn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, doanh nghiệp muốn được gia hạn tiền sử dụng đất thì trước hết phải chấp nhận phương án đóng tiền sử dụng đất của sở tài chính. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có đủ ba điều kiện khắt khe của cơ của cơ quan nhà nước. Theo ông Châu, điều đó là rất khó…!

Theo Tùng Quang (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.