Nhiều ngôi đình có hơn 100 năm tuổi tại khu vực trung tâm TPHCM đang bị “xẻ thịt” cho thuê; một số ngôi đền, chùa cổ đã bị xóa sổ

Tọa lạc tại số 36 Bis Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1 - TPHCM, đình Tân An từng nổi danh là một ngôi đình linh thiêng, gắn bó với dân qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đình Tân An được xây dựng theo kiến trúc cổ, kết hợp thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân và mẹ Ngũ Hành nhằm cầu quốc thái dân an. Chính sự linh ứng, che chở cho con dân, năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909), triều Nguyễn đã sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh đình Tân An.


“Xẻ thịt” đình thần
Đình Tân An bị “xẻ thịt” cho thuê mở phòng tập thể hình

Đình thần thành phòng tập tạ


Trước đây, tại ngôi đình này, các chư vị thánh thần được thờ phụng trên gác, toàn chánh điện bên dưới được trưng dụng làm nơi tập tuồng của các nghệ sĩ cải lương như Út Bạch Lan, Thành Được, Phượng Mai… để phục vụ người dân trong những ngày cúng thần, lễ Kỳ Yên. Đất nước giải phóng, toàn bộ ngôi đình được chính quyền làm nhà văn hóa phường. Hiện nay, phần chánh điện và võ ca (nơi dùng để hát bội những dịp lễ) được ngăn đôi cho thuê. Phía trước chánh điện trở thành phòng tập tạ thuộc Trung tâm Thể hình Đa Kao, phía sau là nhà kho của Công ty Cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Sài Gòn.


Sau nhiều ngày thâm nhập phòng tập tạ này, theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ “phần ruột” đình Tân An đã bị băm nát để xây nhà vệ sinh phục vụ khách, vách tường bị khoan, đục tùy ý của bên thuê, toàn bộ cửa gỗ được thay bằng cửa sắt. Mặc cho bên trên là nơi thờ tự tôn nghiêm, phòng tập tạ mở nhạc xập xình từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Mặt tiền ngôi đình, nơi thờ mẹ Ngũ Hành giờ chỉ là một căn phòng chừng 4 m2, cửa đóng kín bưng và bị bao vây bởi hàng quán. Bên trái ngôi đình, nhà hội sở (nơi tiếp khách) đã được UBND phường Đa Kao cho cửa hàng nhạc cụ Nắng Hồng thuê kinh doanh.


Dẫn chúng tôi vào con hẻm bề ngang khoảng 1 m, bà T. (người thường đứng ra tổ chức cúng đình trong dịp tế lễ) tặc lưỡi: “Cậu thấy đó, đường vào nơi thờ tự như vầy thử hỏi ai dám vào?”. Qua con hẻm, muốn lên chánh điện, chúng tôi phải nhẹ nhàng bước trên một cầu thang gỗ. Một thế giới linh thiêng mà những tiền nhân của hơn trăm năm trước gầy dựng chỉ hiện hữu khi người trông đình, bà Nguyễn Thị Út (71 tuổi), khẽ mở cánh cửa. Bà Út nói: “Đã vài chục năm nay, trừ những ngày cúng, năm thuở mười thì mới có người ghé qua đốt nhang với mục đích tìm hiểu ngôi đình”. Cùng với sự tàn phá của thời gian, cột đình đã bị mục ruỗng, vách tường bị nứt để nắng xiên ngang. “Thềm xi măng này nhiều lần bị nứt, chúng tôi tự bỏ tiền mua vật liệu rồi nhờ thợ trám giùm. Không có kinh phí, chúng tôi chỉ làm tạm bợ như vầy, ngôi đình có thể đổ sập bất kỳ lúc nào”- bà Út nói.


Lò bánh mì chiếm nơi thờ Trần Bình Trọng


Bi đát không thua đình Tân An, đình Hòa Mỹ (phường Đa Kao, quận 1), nơi thờ danh tướng Trần Bình Trọng, hiện đã trở thành lò bánh mì và xưởng sản xuất giày. Theo lời kể của bà N.H.L sống tại đây: “Trước đây, đình Hòa Mỹ rất rộng, dân trong vùng tấp nập dâng hương, hoa quả mỗi dịp lễ Tết, độ sau này do đình bị chia năm xẻ bảy, người đến cúng viếng cũng thưa dần”.

Theo chỉ dẫn của một người đàn ông, chúng tôi vào nơi thờ danh tướng Trần Bình Trọng. Gian nhà bừa bộn đồ dùng sinh hoạt, trước bàn thờ là chiếc giường ngủ, bên cạnh là võng ru em bé. Hai chiếc áo và mũ quan được lộng kính, nhiều di vật được bảo quản sơ sài. Trong gian nhà thờ danh tướng, những người trông đình đã ngăn một phần làm chỗ… nuôi gà.

“Xẻ thịt” đình thần
Một phần đình Hòa Mỹ được cho thuê làm lò bánh mì, nuôi gà. Trước chánh điện là... giường ngủ. Ảnh: XUÂN THẢO


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người trông đình là bà Huỳnh Thị H. (101 tuổi), do tuổi già sức yếu nên giao lại cho con gái là bà Đ.T.T coi sóc. Nhiều năm nay, con cháu của bà T. đã “xẻ thịt” chánh điện đình Hòa Mỹ cho người khác thuê để mở lò bánh mì. Phần còn lại của ngôi đình làm nhà ở và xưởng sản xuất giày. Khuôn viên đình trở thành bãi giữ xe cho các cao ốc xung quanh, phong tỏa các lối đi vào nơi thờ thổ địa và mẹ Ngũ Hành. Một người dân sống gần đình cho biết: “đôi lúc muốn vào thắp nhang nhưng rất sợ bởi vì ngại những người trông đình dò xét, nặng nhẹ”.


Trao đổi với phóng viên, ông Trà Văn Quý, Trưởng Ban Quản lý Lăng Ông Bà Chiểu, người am hiểu các ngôi đình vùng Đa Kao, trăn trở: “Việc các ngôi đình trở thành phòng tập tạ, lò bánh mì đã phá vỡ kiến trúc đình làng Nam Bộ. Các ngôi đình chết dần chết mòn không phải vì thời gian mà là sự tàn phá, vô tâm của con người, là nỗi buồn của những người có tâm huyết gìn giữ lịch sử!”.

Chùa, đền bị xóa sổ

Theo ghi nhận của chúng tôi, đền thờ Tây Hồ Phan Chu Trinh ở cuối đường Trương Hán Siêu (phường Đa Kao, quận 1) và chùa Cô Hồn tại số 188 Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) hiện đã bị… san bằng. Giờ đây, chùa Cô Hồn chỉ còn trơ trọi một chiếc cổng bị đục phá nham nhở. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Đình Tấn (80 tuổi, ngụ phường Tân Định) thì “chùa Cô Hồn trước đây rất lớn, mỗi năm vào dịp rằm tháng 7, chùa cúng cô hồn rất linh đình, kéo dài đến 3 ngày. Tuy nhiên, do sự quản lý yếu kém của địa phương nên ngôi chùa nổi tiếng này bị xóa sổ”.


Theo Phạm Dũng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.