Hàng trăm hộ dân bị giải tỏa bởi dự án xây dựng khu thương mại dân cư quy mô hơn 34,5ha ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh (Hậu Giang) đang sống tạm bợ, vất vả trong những căn chòi tạm để chờ bố trí tái định cư. Tuy nhiên, sự chờ đợi ngày càng vô vọng bởi chủ đầu tư gần như bất động trong việc triển khai dự án.

Hơn 8 năm nay, nhà đầu tư chỉ xây được nhà lồng chợ ọp ẹp, không ai vào buôn bán.

Quy hoạch hoành tráng, thi công ỳ ạch

Những ngày đầu tháng 9-2012, chúng tôi tìm đến khu thương mại dân cư Vị Tân, chỉ cách trung tâm TP Vị Thanh khoảng 3km, nằm ngay vị trí thuận lợi trên tuyến đường Vị Thanh đi Giồng Riềng (Kiên Giang). Đây được xem là nơi lý tưởng để kinh doanh nhà ở, thương mại, dịch vụ… Hấp dẫn là vậy, thế nhưng sau hơn 8 năm triển khai dự án, ai cũng bất ngờ bởi khu thương mại “hoành tráng” rộng hơn 34,5ha này chỉ là bãi đất hoang đầy lau sậy, cỏ dại… Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân, Lê Văn Vũ chua chát: “Không hiểu nhà đầu tư là Công ty cổ phần Liên Minh, đóng ở quận 6, TPHCM thi công kiểu nào mà từ năm 2004 đến nay chẳng đâu vào đâu khiến người dân và chính quyền rất bức xúc. Chỉ riêng phần san lấp mặt bằng họ bơm cát chưa được 50% diện tích, chưa kể bơm kiểu da beo, chỗ lồi chỗ lõm rồi bỏ phế để cho cỏ hoang mọc um tùm. Thế là người dân địa phương kéo nhau về thả trâu bò vô tư ngay dự án phát triển khu thương mại”.

Theo UBND xã Vị Tân, khi thấy dự án “treo” quá lâu, mỗi lần họp hội đồng nhân dân các cấp, nhiều cử tri phản ứng gay gắt. Và ngành chức năng nhiều lần tác động yêu cầu chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án như cam kết. Động thái duy nhất của chủ đầu tư mấy năm nay là xây dựng nhà lồng chợ, nhưng làm đơn sơ không giống thiết kế. Nhà lồng chợ không có hệ thống thoát nước, không điện, không ki ốt, quầy sạp… nên người dân không thể vào buôn bán được; cuối cùng vẫn bỏ hoang.

Xem xét thu hồi dự án

Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, khu thương mại dân cư Vị Tân là một trong những dự án về thương mại đô thị hoành tráng ở tỉnh. Song do nhà đầu tư kém năng lực và “dùng dằng” trong việc thực hiện khiến kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và đời sống người dân bị ảnh hưởng. Theo quy hoạch, dự án có 117 hộ dân ở xã Vị Tân bị giải tỏa toàn bộ 34,5ha đất. Ngoài việc đền bù cho dân 32 triệu đồng/công (1.000m²) đất ruộng, 45 triệu đồng/công đất vườn… thì nhà đầu tư có trách nhiệm phải bố trí tái định cư cho dân bị mất đất. Cam kết là vậy, nhưng hơn 8 năm nay người dân bị mất đất chẳng có nơi nào để tái định cư. Cùng đường, nhiều hộ bỏ đi tứ tán, có hộ đi thuê nhà ở hoặc cất nhà ở tạm dọc theo sông… Ông Lưu Văn Xiêm, hộ bị giải tỏa và giao đất cho dự án nhưng chờ mãi không được bố trí tái định cư. Thế là ông Xiêm cất nhà tạm gần sông trên đất người khác ở đỡ. Đến nay tiền đền bù đã xài hết, nhưng nhà ở tái định cư không có, nghề nghiệp không ổn định… cuộc sống rất khó khăn.

Ông Dương Văn Lập, ở xã Vị Tân bức xúc: “Chẳng những dự án treo kéo dài khiến dân khổ sở mà nhà đầu tư còn áp giá đền bù rẻ mạt. Gia đình ông làm cả đời mới xây được căn nhà tường kiên cố trên 250 triệu đồng, kèm theo đó là 700m2 đất cạnh nhà và 1,5 công ruộng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ đền bù có 347 triệu đồng, quá thấp so với số tài sản trên. Vì vậy, ông không thể giao đất, còn ở lại thì trong tâm trạng phập phồng không biết bị đuổi giờ nào nên chẳng làm ăn gì được”. UBND xã Vị Tân thừa nhận, đời sống người dân trong vùng dự án hiện nay hết sức khốn khó. Nhiều hộ đã trắng tay vì cảnh sống tạm bợ, thiếu tái định cư, không nghề nghiệp… Chính quyền rất nóng lòng, nhiều lần đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án, nhưng mọi chuyện đều vô vọng. Ông Lâm Quang Tâm, Chủ tịch UBND TP Vị Thanh, cho biết chủ đầu tư tỏ ra thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo UBND TP Vị Thanh và các ngành liên quan mời họ đến làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Song tổng giám đốc công ty không hề đến, thỉnh thoảng có cấp phó đến nhưng không giải quyết được gì. Theo ông Tâm, do dự án kéo dài quá lâu không triển khai, cộng với nhà đầu tư thiếu thiện chí, nên UBND TP Vị Thanh đang xem xét làm các thủ tục cần thiết đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định thu hồi lại dự án, tránh gây bức xúc trong dân.

Theo H.Lợi - N.Thanh (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.