21/10/2014 8:08 AM
Qua 60 năm, các đơn vị của ngành xây dựng Hà Nội đã xây dựng hàng triệu mét vuông nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại

Những năm qua, cùng với sự đi lên của đất nước, ngành xây dựng Thủ đô có sự trưởng thành nhanh chóng, với tốc độ phát triển bình quân khoảng 120% so với năm trước. Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2000-2010. Các đơn vị chức năng thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở theo hướng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị, hình thành nhiều khu đô thị hiện đại, văn minh như Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng, Royal City, Times City,… Bên cạnh đó, nhà ở xã hội luôn được quan tâm phát triển, góp phần cải thiện nhà ở cho những đối tượng gặp khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên. Cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 14 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được triển khai, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1,2 triệu m2, gần 15.500 căn hộ, trong đó, nhiều dự án đã đưa vào sử dụng như Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông)… Ba dự án nhà ở dành cho công nhân đã hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho hơn 15 nghìn công nhân tại các khu công nghiệp.

Trong những năm qua, thành phố tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô. Hệ thống cung cấp nước sạch hoạt động ổn định với 12 nhà máy sản xuất, công suất đạt hơn 900 nghìn m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 100% hộ dân nội thành và 45% số hộ dân khu vực ngoại thành. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tiếp tục được cải thiện, đã khắc phục cơ bản tình trạng úng ngập cục bộ trong khu vực nội thành khi có lượng mưa 50mm/giờ. Các công viên, vườn hoa, hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị được đầu tư, ngày càng đẹp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Công tác vệ sinh môi trường được duy trì ổn định, mở rộng xã hội hóa công tác thu gom và vận chuyển rác thải, làm cho Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đơn vị chủ công trong Năm Trật tự, văn minh đô thị

Cùng với phát triển nhà ở, công tác quản lý trật tự xây dựng là lĩnh vực rất phức tạp, khó khăn. Do công tác quản lý đất đai bị buông lỏng trong thời gian dài, quy hoạch chưa đầy đủ và nhận thức của người dân về xây dựng còn hạn chế, cho nên vi phạm trật tự xây dựng diễn ra thường xuyên. Tình trạng xây dựng không phép, trái phép, vượt phép xảy ra phổ biến. Để chấn chỉnh, trong thời gian qua lực lượng thanh tra xây dựng của thành phố, nhất là tại cơ sở, được củng cố, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ngay khi mới phát sinh. Thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng, lực lượng thanh tra xây dựng trên toàn thành phố được kiện toàn, với 30 đội thanh tra xây dựng tại các quận, huyện, thị xã, hơn 1.500 cán bộ. Thanh tra xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng, kiểm tra công trình sau cấp phép xây dựng, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, từng bước đưa công tác quản lý trật tự xây dựng vào nền nếp.

Riêng trong Năm Trật tự văn minh đô thị 2014, với vai trò là đơn vị thường trực trong Ban chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiến hành sắp xếp các loại đường dây đi nổi trên cao. Cho đến nay, tại 35 tuyến phố chính, tình trạng dây cáp viễn thông đeo bám trên cột điện, đèn chiếu sáng đã được khắc phục. Các lực lượng chức năng đã cắt bỏ hơn một triệu mét dây cáp không sử dụng, sắp xếp, bó gọn và gắn thẻ nhận diện từng đường dây. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị tiếp tục dọn “rác trên cao” tại 55 tuyến phố.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như công tác quản lý, cấp phép xây dựng tại các quận mới, các huyện ngoại thành còn lỏng lẻo dẫn đến hiện tượng xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp. Việc quản lý chất lượng, bảo dưỡng công trình, nhất là tại các khu nhà ở tái định cư còn yếu kém, gây bức xúc dư luận. Tiến độ nâng cấp, cải tạo các chung cư cũ, nguy hiểm còn chậm trễ, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các văn bản quản lý đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý nhà ở, cải cách thủ tục hành chính… để định hướng, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở, cải tạo chung cư cũ, đẩy mạnh quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đồng thời tăng cường hướng dẫn việc cấp giấy phép, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Xây dựng xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm.

Ngọc Sơn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.