Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là mạnh dạn nhất cả nước khi xác định mục tiêu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song, với tốc độ triển khai thực hiện như hiện nay, việc hoàn thành đúng tiến độ mục tiêu trên thực sự là thách thức lớn.

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Chậm và vướng

Dù là xã điểm nông thôn mới của thành phố nhưng đường thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Văn Thắng

Đến thời điểm này, Hà Nội có tất cả 19 xã thuộc 19 huyện, thị xã triển khai chương trình xây dựng NTM với những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ trong khâu xây dựng, phê duyệt đề án đến thực hiện các hạng mục công trình đã khiến cho mô hình NTM ở các xã trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa rõ nét.

Tiến độ ì ạch

Chương trình xây dựng NTM không phải quá mới bởi Chính phủ đã tiến hành thí điểm tại 11 xã trên địa bàn cả nước từ năm 2009. Đặc biệt, ngày 14/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 491/QĐ-TTg ban hành bộ 19 tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Ngay sau đó, Đề án xây dựng NTM TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020 cũng đã được UBND TP phê duyệt, trong đó giai đoạn 2010 - 2012, mỗi huyện sẽ chọn một xã điểm xây dựng NTM. Tuy nhiên, phải tới giữa năm nay (2011), các huyện mới hoàn thành khâu lựa chọn, xem xét đề án của cấp xã. Việc triển khai các hạng mục xây dựng NTM của nhiều địa phương hiện vẫn còn quá chậm.

Đơn cử như xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai được UBND TP phê duyệt đề án xây dựng NTM từ tháng 12/2010 với 8/19 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn. Vậy mà đến nay, hơn 7 tháng trôi qua, Hồng Dương vẫn chưa hoàn thành được thêm tiêu chí nào. Hơn nữa, dù đã hết quý II, xã vẫn chưa duyệt xong báo cáo kinh tế kỹ thuật các hạng mục cần đầu tư xây dựng và biểu đăng ký vốn năm 2011. Tương tự, tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, với đặc thù là xã ven đô, vấn đề giao thông đi lại được người dân đặc biệt quan tâm. Thế nhưng cho đến nay, sau gần một năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, con đường trục của xã vẫn chưa được mở rộng. Đường nhỏ hẹp và bị xuống cấp khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Đình Loan, Bí thư chi bộ thôn 3, xã Tây Tựu phàn nàn: "Hiện trục đường xã bình quân chỉ 3,8 - 4m và mỗi thôn chỉ có 4 - 5 con đường thoát khỏi làng, giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra".

Điều đáng nói, đã nhiều tháng trôi qua nhưng không ít các dự án, hạng mục công trình xây dựng NTM của một số xã vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Điển hình như xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm được UBND TP phê duyệt đề án xây dựng NTM từ ngày 2/3/2011. Nhưng tới nay, mọi công việc xây dựng NTM của xã vẫn chỉ nằm… trên giấy. Hiện Đa Tốn mới có 7 tiêu chí đạt chuẩn và 5 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn; 7 tiêu chí chưa đạt chuẩn còn lại vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, chỉ một ngày sau khi TP phê duyệt Đề án xây dựng NTM của xã Đa Tốn, Chi cục đã mời Bí thư, Chủ tịch huyện đến Văn phòng để trao đổi hướng triển khai. Song đến nay, gần 5 tháng trôi qua vẫn chưa có chương trình cụ thể nào được triển khai. "Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2012, Đa Tốn hoàn thành xây dựng NTM. Như vậy, chỉ còn một năm rưỡi nữa, với khối lượng công việc khổng lồ, tiến độ dự án khó lòng đảm bảo!" - ông Cương lo ngại.

Trong đợt kiểm tra tình hình xây dựng NTM trên địa bàn TP mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhận định, hiện nay hầu hết các xã điểm mới bắt đầu rục rịch triển khai, như vậy là chậm tiến độ. Trong đó ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng việc dễ thì làm, khó thì bỏ. Nhiều địa phương không quan tâm đầu tư cho phát triển sản xuất mà chỉ tập trung xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, y tế… là một thực tế đáng lo ngại

Qui hoạch vướng nhiều bề

Công việc đầu tiên để triển khai xây dựng NTM là lập qui hoạch. Tuy nhiên, tiêu chí này được các địa phương đánh giá là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhất là tại các xã có mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao. Huyện Gia Lâm có 9/20 xã, thị trấn nằm trong quihoạch phát triển đô thị. Trong đó, nhiều xã có nguy cơ bị thu hồi phần lớn đất nông nghiệp như Yên Thường khoảng hơn 600ha cho dự án xây dựng cầu Tứ Liên; Đa Tốn hơn 200ha cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Hà Nội - Hưng Yên… "Nếu không còn đất nông nghiệp nữa, qui hoạch xây dựng NTM như thế nào?" - ông Lương Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm lo ngại. Hơn nữa, huyện Gia Lâm đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu làm không khéo rất dễ bị cácqui hoạch khác chồng lấn hoặcphá vỡ.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2012, toàn bộ 401 xã trên địa bàn TP sẽ hoàn thành công tác quihoạch, bao gồm cả 3 lĩnh vực: Qui hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quihoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; Qui hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hoá tốt đẹp. Do đó, các địa phương mong muốn TP cần sớm có qui hoạch chung để các xã, thị trấn căn cứ vào đó xây dựng qui hoạch cho địa phương mình.

Cùng với qui hoạch, việc đấu giá đất xen kẹt để làm nguồn vốn của xã hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, nguồn vốn dành cho xã sau đấu giá để xây dựng NTM còn quá ít, chỉ 30%. Ông Lê Đăng Minh, Chủ tịch UBND xã Mai Đình, Sóc Sơn chia sẻ: Thủ tục đấu giá đất xen kẹt rườm rà và nhiều bất cập. Theo kế hoạch, xã đề xuất TP cho đấu giá khoảng trên 60.000m², nhưng quá trình xem xét, các sở, ngành của TP chỉ đồng ý cho tiến hành đấu giá khoảng 4.500m² và cho tới nay, việc đưa ra đấu giá số đất trên vẫn chưa thể thực hiện được.

Phấn đấu đến năm 2015, Hà Nội đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 1,5 - 2%/năm, giá trị sản xuất đạt 210 - 220 triệu đồng/ha/năm, chuyển đổi từ 200 - 250ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

(Mục tiêu của Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 vừa được thông qua tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XV, ngày 12/7/2011)


Theo Nam Bắc - Hạ Đình - Thắng Văn (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.