25/07/2014 9:27 PM
Hơn 6 tháng đầu năm 2014 đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể (cả về chất lẫn lượng) của ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Thanh khoản, tồn kho, giá trị, cơ cấu địa ốc nhất loạt tạo niềm tin cho người tiêu dùng lẫn DN. Nhưng, vẫn còn đó là phần chìm của tảng băng quản lý tiếp tục “đeo đẳng”.

Ngót 6 vạn hộ dân ở Hà Nội đang “dài cổ” ngóng quyết định giao đất dịch vụ từ nhà chức trách. Đây là con số tạm tính theo thông tin mới đây của UBND Tp.Hà Nội. Cụ thể, đến hết quý II, trong số 77.526 hộ dân có nhu cầu sử dụng đất dịch vụ (tương đương 842,66ha), Hà Nội mới đáp ứng được hơn 1,8 vạn hộ (86,33ha). Thậm chí, có quận/huyện còn chưa giao được thửa đất dịch vụ nào cho người dân, như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh…

Giao đất dịch vụ, sao lâu thế?

Lý giải từ đại diện Sở TN&MT chỉ ra 2 nguyên nhân “muôn thuở”: quy hoạch (nhiều vị trí khu đất phải điều chỉnh, rà soát để phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô lẫn các quy hoạch phân khu khác) và kinh phí (xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ “vượt” khả năng cân đối tài chính của TP, quận huyện).

Số liệu thống kê cho thấy còn thiếu hơn 390ha đất dịch vụ, 53,11ha đất đang GPMB. Dự kiến Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giao đất dịch vụ cho dân trong năm nay. Nếu địa phương nào “thiếu đất”, TP sẽ xem xét đề xuất trả người dân bằng… tiền. Được biết, quận Long Biên là một trong những quận của Thủ đô được xếp vào hàng “khó và chậm”.

Tại buổi giao ban Thành ủy, ngày 22/7, đại diện lãnh đạo quận Long Biên thừa nhận nhiều khó khăn trong quá trình rà soát, xử lý vi phạm đất công, đất chưa sử dụng ở địa bàn. Vị này cho biết khó khăn xử lý là do hồ sơ tư liệu lưu trữ không đầy đủ, nhiều nơi không thể hiện trên bản đồ và quản lý đất đai tại các phường sở tại còn lỏng lẻo, nên nhiều phần diện tích lấn chiếm (đã xây dựng công trình trong thời gian dài) đến nay “lại” phù hợp với quy hoạch đất (!). Hướng giải quyết đưa ra là rà soát lại các phương án chuyển dịch kinh tế, hủy các hợp đồng đã ký nhưng sử dụng kém hiệu quả.

Phần chìm của tảng băng quản lý tiếp tục “đeo đẳng” giới chức Thủ đô

Ngoài ra, quận Long Biên có tốc độ cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp mua nhà tại các dự án nhà ở đạt mức “siêu rùa”. Đơn cử như Thành phố giao chỉ tiêu cấp 3.000 giấy trong năm 2014, nhưng tới nay, mới có vỏn vẹn 253 giấy tới tay công dân quận Long Biên. Trong số gần 2.300 thửa đất chưa đủ điều kiện cấp sổ, có trường hợp hộ dân sống cả thập kỷ mà chưa “thấy” giấy chứng nhận sở hữu, hay được giao... trái thẩm quyền, không rõ mốc lộ giới.

Đất càng chật sổ đỏ càng… khó

Tình trạng “ôm” nhiều - “treo” lắm cũng đang làm khổ người dân. Quận Hoàng Mai không nằm ngoài vòng luẩn quẩn này. 11 năm kể từ ngày thành lập theo Nghị định 132/2003/NĐ-CP của Chính phủ, diện tích hơn 4.100ha của quận này đang dần trở nên ít ỏi, so với lượng dự án đầu tư xây dựng liên tiếp “mọc lên” vài năm qua. Cụ thể, hiện có tới 97 dự án với tổng diện tích thu hồi gần 1.200ha đang được triển khai trong địa bàn quận. 2,2 vạn hộ dân nơi đây đang “dính” tới những lình xình về kiện tụng, tố cáo liên quan đến thu hồi đất. Rõ nhất là dự án Đường vành đai 2,5; tái định cư Đường vành đai 3…

Khó có thể kể ra toàn bộ các dự án “tắc” vì GPMB nhiều năm nay tại quận Hoàng Mai. Chỉ biết lãnh đạo Hà Nội vừa “thẳng cánh” yêu cầu cụ thể đối với hàng chục dự án lớn nhỏ, thuộc chức năng quản lý của quận. Điển hình như: dự án KĐT Đại Kim - Định Công (liên quan tới di chuyển địa điểm sử dụng đất tái định cư); KĐT Hoàng Văn Thụ (quận lập, phê duyệt phương án bồi thường cho hộ dân có đất nông nghiệp); KĐTM Thịnh Liệt; KĐTM Tây Nam Kim Giang…

Một vấn đề khác, thoạt nghe có vẻ không liên quan, nhưng tình trạng đất càng chật, sổ đỏ càng… khó lại là thông tin phát đi trong buổi làm việc giữa đại diện lãnh đạo Hà Nội với Sở TN&MT Hà Nội. Theo đó, do quỹ đất ở ngày càng hạn hẹp, trong khi các chung cư thương mại, thu nhập thấp cứ đua nhau mọc lên, đã khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ ở Hà Nội, thành phố có dân số lớn thứ 2 cả nước, vẫn còn phổ biến. Như vậy, lật ngược vấn đề, nếu hạn chế phát triển các dự án chung cư thương mại ở Hà thành, cư dân Thủ đô sẽ dễ dàng cầm trong tay tấm sổ bìa đỏ? Câu trả lời đã rõ, vì ngay cả khi thị trường BĐS chưa tắc nghẽn “núi” hàng tồn kho như 2 năm nay, vấn đề xin và được cấp sổ đỏ/sổ hồng cho nhà/đất ở Hà Nội đã tốn rất nhiều giấy mực.

Trở lại với cơ sở dẫn tới quan điểm về “đất chật - sổ khó”, báo cáo của Sở TN&MT cho biết toàn địa bàn Hà Nội đã có 112.150 căn hộ xây dựng xong và bàn giao cho người mua. Tuy nhiên, mới chỉ có 36.110 sổ đỏ được cấp, còn lại hơn 7 vạn căn hộ chưa được chủ đầu tư làm thủ tục cấp cho khách hàng. Tại dự án KĐT Bắc Quốc lộ 32, 551/784 căn biệt thự liền kề đã bàn giao cho khách mua, nhưng chưa căn nào có sổ. Tại CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), hơn 300 căn nhà ở xã hội đã đi vào sử dụng từ giữa 2011, nhưng hiện các chủ hộ vẫn chờ sổ. Ở Trung Hòa - Nhân Chính thì cơ man chủ nhân "ở trọ" trong nhà mình…

Giới quản lý khăng khăng, lỗi - trách nhiệm chủ yếu thuộc về chủ đầu tư trong sự chậm trễ này và rốt ráo rà soát, kiểm tra bóc tách “thể trạng” của giới tạo lập địa ốc. Chuyên gia đầu ngành thì trầm ngâm: thủ tục hành chính mới là bản lề giúp “cánh cửa” cấp sổ đỏ trơn tru hơn… Thế mới biết, chọn được nhà, mua được căn hộ vừa ý đã khó, được đứng tên sở hữu pháp lý một cách chính tắc còn gian nan gấp bội.

Song Hà (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.