Cuối tuần trước tại Hà Nội có một cuộc tọa đàm do một ngân hàng tổ chức nhằm tăng âm tiếng “kêu cứu” của doanh nghiệp (DN) - là những khách hàng ruột của ngân hàng về “sự hà khắc” của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Ngân hàng này chuẩn bị khá bài bản với việc công bố một báo cáo khảo sát tự thực hiện trên 70 đơn vị (gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DN nhà nước và tư nhân). Theo số liệu này, chỉ có 13,3% số DN hầu như không bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ, số còn lại bị tác động vừa (16,6%) và còn lại là bị tác động nghiêm trọng.


Không công bố tên tuổi cụ thể các DN được khảo sát, song lời “kêu cứu” tại tọa đàm được cất lên mạnh mẽ chính là việc các DN bất động sản (BĐS) đóng băng và lỗ. Thậm chí có cả những chỉ trích gay gắt, rằng một số phân khúc nhà ở là “giải pháp… về an sinh xã hội của Chính phủ tại Nghị quyết 11, vậy tại sao lại hạn chế tín dụng?”.


Theo GS Đặng Hùng Võ, giá nhà trung bình của thế giới bằng 2-5 năm thu nhập của một người làm công; song ở Việt Nam nó gấp đến… 25 lần! Mới đây, một đại gia BĐS xác nhận giá đất đầu vào mỗi mét vuông chung cư cao nhất khoảng 1 triệu đồng, giá thành xây dựng (cả đồ đạc) cao nhất 6 triệu đồng; nếu bán từ 8 triệu đồng trở lên kiểu gì DN cũng có lãi!


Người ta có quyền đặt câu hỏi nếu van tín dụng được tháo như đề xuất của các DN BĐS thì giá nhà đất có được trả về giá trị thật, như hy vọng của nhiều người thu nhập trung bình và thấp trong cuộc tìm kiếm cơ hội sở hữu một ngôi nhà mơ ước?


Một số ý kiến lại cho rằng chính việc thắt chặt tín dụng BĐS sẽ góp phần loại trừ các chủ đầu tư chụp giựt, thiếu năng lực tài chính và kinh doanh, chỉ quen làm ăn kiểu tay không bắt giặc, lấy dự án nhờ quan hệ và xây nhà nhờ tiền ứng trước của khách hàng! Và họ ủng hộ chủ trương của Thủ tướng trong thông điệp nhậm chức của Chính phủ mới: Sẽ tiếp tục kiên trì chính sách ổn định vĩ mô mà trọng tâm là thắt chặt tiền tệ, tránh vết xe đổ của năm trước nới tín dụng quá sớm để lại hậu quả nặng nề cho hôm nay.


Do đó những lời “kêu cứu” kiểu như trên cần được xem xét thấu đáo, cân nhắc nhiều mặt!
Theo Lĩnh Nam (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.